|
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: chinhphu.vn) |
Đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy
viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Đinh Thế
Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên
giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Bắc Son - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên Trung
ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam dự và chỉ
đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn
thể, cơ quan Trung ương; đại diện thường trực các tỉnh, thành ủy cùng hơn 500
đại biểu là lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan
báo chí cả nước.
Hội nghị đã nghe Báo cáo
tình hình công tác báo chí năm 2012, các tháng đầu năm 2013; nghe các tham luận
của đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan chủ quản báo chí,
cơ quan báo chí cả nước.
Năm 2012, tình hình quốc
tế và trong nước diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn. Trên thế giới, suy giảm
tăng trưởng kinh tế, khủng hoảng tài chính, nợ công tiếp tục kéo dài; chính trị
mất ổn định ở nhiều khu vực; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, nguy cơ xung đột có
chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi, trong đó có biển Đông liên quan các quốc gia,
vùng lãnh thổ. Trong nước, bên cạnh mặt thuận lợi là nhiều khó khăn, như: nợ
xấu, hàng tồn kho, vốn cho sản xuất, kinh doanh... Công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả mong muốn; các thế lực
thù địch và cơ hội chính trị tăng cường các hoạt động kích động,
chống phá, chia rẽ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta...
Những vấn đề trên đã tác
động trực tiếp đến tình hình chính trị, đời sống kinh tế - xã hội của đất nước,
tư tưởng, tâm trạng xã hội. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí đã nêu cao
trách nhiệm chính trị, tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI
của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về chính trị, kinh
tế, xã hội, văn hóa, đối ngoại… Đặc biệt, báo chí tập trung cao độ tuyên truyền
triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách
về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị tiếp tục
đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong những tháng
đầu năm 2013, báo chí tập trung tuyên truyền lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Báo chí tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong
đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; đấu
tranh phản bác thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù
địch, phần tử cơ hội chính trị; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển
đảo thiêng liêng của Tổ quốc và công tác đối ngoại.
Trong điều kiện khó khăn
nhiều mặt, hệ thống báo chí vẫn chủ động, nỗ lực vươn lên, phát triển cả về số
lượng, chất lượng đội ngũ, điều kiện, phương tiện làm việc. Tính đến tháng 2
năm 2013, có 812 cơ quan báo chí in trên cả nước với 1.084 ấn phẩm. Trong đó,
báo có 197 cơ quan (gồm 84 cơ quan báo chí Trung ương và các bộ, ngành, đoàn
thể; 113 báo địa phương); tạp chí có 615 cơ quan (488 tạp chí Trung ương và 127
tạp chí địa phương). Cả nước có 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174
trang thông tin điện tử tổng hợp; có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương
và địa phương, trong đó, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài
Truyền hình Kỹ thuật số VTC phủ sóng toàn quốc; có 172 kênh chương trình phát
thanh và truyền hình quảng bá, gồm 99 kênh truyền hình, 73 kênh phát thanh… Cả
nước có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hàng trăm phóng viên đang
hoạt động báo chí chuẩn bị đến thời hạn cấp thẻ; hơn 19.000 hội viên Hội Nhà
báo Việt Nam.
Hội nghị đã phân tích,
làm rõ những hạn chế, thiếu sót chủ yếu trong công tác báo chí năm 2012: Khuynh
hướng thoát ly tôn chỉ, mục đích, “thương mại hóa” chậm được khắc phục; chưa
quan tâm đầy đủ nhiệm vụ phát hiện biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên
tiến; nội dung một số ấn phẩm phụ thiếu thiết thực, thiếu tầm văn hóa; công tác
đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, thù địch chưa thực sự
sắc bén, chưa có sự tham gia đồng bộ của các cơ quan báo chí...
Tại Hội nghị, các đại
biểu đã thảo luận, tập trung phân tích các nguyên nhân hạn chế, thiếu sót, nhất
là nguyên nhân chủ quan; nêu các bài học kinh nghiệm; bàn các giải pháp khắc
phục.
Hội nghị khẳng định, để
khắc phục những hạn chế và thiếu sót nêu trên, trong thời gian tới, công tác
báo chí cần bám sát định hướng chính trị tư tưởng của Đảng, thực hiện tốt việc
phối hợp giữa công tác chỉ đạo với công tác quản lý Nhà nước; gắn bó hơn nữa
với thực tiễn, chủ động, kịp thời, sáng tạo trong xử lý thông tin trên cơ sở
nắm vững nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện
nghiêm túc quy trình tác nghiệp.
Hội nghị thảo luận, đánh
giá tình hình, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác báo chí năm
2013 với các nhiệm vụ trọng tâm: Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng
của ban biên tập, tổng biên tập, từng phóng viên; đẩy mạnh tuyên truyền Nghị
quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ; tuyên truyền sửa đổi Hiến pháp
năm 1992, sửa đổi Luật Đất đai, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn
đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định
kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình
tăng trưởng với những hình thức sáng tạo, sinh động, có hiệu quả, đúng định
hướng; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng
tiêu cực xã hội; thực hiện tốt chức năng phản biện trên tinh thần khoa học, xây
dựng; tích cực, chủ động đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái của
các thế lực thù địch; mở rộng giao lưu quốc tế về truyền thông; tổ chức các
hoạt động xã hội thiết thực, hiệu quả; phối hợp tốt hơn giữa các ngành, các
cấp, các cơ quan liên quan trong việc cung cấp, trao đổi thông tin; tiếp tục
triển khai đánh giá kết quả thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận của
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác báo chí; hoàn thành các đề án,
đề tài liên quan đến công tác báo chí trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ
ban hành các văn bản cần thiết, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn báo
chí đặt ra; nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản.
Hội nghị cũng đã tập
trung thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên
truyền đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc
sống; kinh nghiệm công tác đấu tranh chống âm mưu ‘diễn biến hòa bình”; tăng
cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin để định hướng dư luận xã hội,
nhất là đối với những vấn đề bức xúc, nhạy cảm; thực hiện quy hoạch tổng thể
báo chí; khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, bất cập, lãng phí trong lĩnh vực báo
chí….
Phát biểu chỉ đạo Hội
nghị, đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí
thư đã biểu dương những nỗ lực, thành tích của báo chí nước ta trong
năm 2012; nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền
trên báo chí năm 2013.
Tại Hội nghị, Ban Tuyên
giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khen thưởng một số đơn vị, cơ
quan báo chí có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền các
sự kiện, nhiệm vụ chính trị, kinh tế; tổ chức tốt các hoạt động xã hội thiết
thực, giàu ý nghĩa năm 2012.
Kết luận Hội nghị, đồng
chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng
Ban Tuyên giáo Trung ương phân tích, nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung cần
quan tâm, nhất là những giải pháp cơ bản triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các
cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong năm
2013; những vấn đề về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho báo chí hoạt động,
phát triển, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Đồng chí Đinh Thế
Huynh yêu cầu: Ngay sau Hội nghị, các cơ quan báo chí cần thể hiện quyết
tâm, trách nhiệm chính trị cao hơn; triển khai một cách nghiêm túc, có chất
lượng, hiệu quả nhiệm vụ công tác báo chí năm 2013./.
(Theo dangcongsan.vn)