Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền
Theo đó, xét Báo cáo số 60/BC-VPTT ngày 05/4/2023 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trong năm 2022, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có ý kiến chỉ đạo như sau:
Cơ bản đồng ý các kiến nghị của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Văn bản số 60/BC-VPTT ngày 05/4/2023. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị theo kiến nghị của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại văn bản nêu trên.
Bộ Công Thương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025"; trong đó cần phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý việc bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, đặc biệt đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 17).
4 vấn đề kiến nghị
Tại Văn bản số 60/BC-VPTT ngày 05/4/2023, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các vấn đề sau:
1. Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 17; Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tiến hành đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện Chỉ thị, chủ động dự báo sát tình hình, đề ra những giải pháp trọng tâm trong thời gian tiếp theo, tiếp tục rà soát xử lý những khó khăn vướng mắc, tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, xử lý triệt để các vi phạm đối với nhóm mặt hàng điều chỉnh của Chỉ thị 17; chú trọng thanh tra, kiểm tra công vụ, làm tốt công tác tổ chức cán bộ không để tiếp tay, móc nối, bảo kê cho mọi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
2. Giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu tiếp tục xử lý những khó khăn, vướng mắc: Tiếp tục rà soát tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành thay thế, từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, đảm bảo sự đồng bộ, chặt chẽ, toàn diện, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với nhóm mặt hàng chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người.
Nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của hệ thống kiểm nghiệm nhà nước, các cơ sở kiểm tra chất lượng đặc biệt là nhóm mặt hàng điều chỉnh của Chỉ thị 17, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cả về đội ngũ cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị và nguồn kinh phí được bố trí đảm bảo; chủ động đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, giám sát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền phát hiện xử lý kịp thời mọi sai phạm. Phối hợp các ngành, lực lượng chức năng đặc biệt các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, kịp thời đưa ra các khuyến cáo, dấu hiệu nhận biết đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo hệ thống đài, báo phối hợp các cơ quan chức năng tăng thời lượng, dung lượng đẩy mạnh phổ biến kiến thức, tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan nhóm mặt hàng điều chỉnh tại Chỉ thị 17; chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát và quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo của các đơn vị phát hành quảng cáo, đặc biệt đối với thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; nghiên cứu kiểm soát tổng đài điện thoại được thiết lập giả danh bác sỹ, dược sỹ để tư vấn bán các mặt hàng giả, kém chất lượng trên không gian mạng. Đánh giá phân tích tình hình, đưa ra dự báo sát hợp, đề xuất giải pháp xử lý triệt để vi phạm của các trang thông tin điện tử, trang cá nhân trên mạng xã hội.
4. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện chỉ đạo của Trưởng Ban để tổng hợp báo cáo kịp thời.
Tuệ Văn
Nguồn: chinhphu.vn