|
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013 - Ảnh:
chinhphu.vn |
Tại buổi họp báo,
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Trong các ngày 28
- 29/3/2013, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính
phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3/2013, thảo luận về tình hình kinh tế -
xã hội tháng 3 và quý I/2013.
Tại phiên họp này, Chính
phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 3 và quý I/2013, các bộ, ngành, địa phương
đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng,
Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa
phương đã khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện
Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà
nước năm 2013, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp tháo
gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; đồng
thời tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch ngay từ đầu năm. Nhìn
chung, kinh tế - xã hội quý I/2013 đã đạt được những kết quả tích cực; bám sát
mục tiêu tổng quát, trong đó, tăng trưởng GDP đạt mức cao hơn, lạm phát ở mức
thấp hơn năm 2012.
Trong đó, nổi bật là:
Lạm phát được kiềm chế; thị trường giá cả tương đối ổn định; chỉ số giá tiêu
dùng (CPI) tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước, là tháng có chỉ số giảm
sau 7 tháng tăng liên tiếp. Nguyên nhân CPI tháng 3 giảm so với tháng trước là
do các cấp, các ngành tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện
pháp, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý giá
cả thị trường, cung - cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và
nguồn cung lương thực dồi dào do đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa
Đông Xuân.
Lãi suất tiếp tục giảm,
góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thanh khoản các
ngân hàng thương mại đã có bước chuyển biến. Tỷ giá, thị trường ngoại hối tương
đối ổn định; dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao. Thị trường vàng từng bước
ổn định. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tháng 3 ước đạt 11 tỷ USD, tăng 53,9% so
với tháng trước; quý I/2013 ước đạt 29,69 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm
2012. Đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước, từ chỗ chỉ tăng 3,1% trong cả
năm 2012, sang quí I/2013 đã tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể
cả dầu thô) ước tăng 25,6%. Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 11,3 tỷ USD,
tăng 56% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu quý I/2013 ước đạt 29,2 tỷ
USD, tăng 17%; đáng chú ý nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị tăng khá.
Xuất siêu quý I/2013 đạt khoảng 481 triệu USD, góp phần cải thiện cán cân thanh
toán quốc tế và dự trữ ngoại hối của Nhà nước.
Vốn FDI đăng ký và thực
hiện trong quý I/2013 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký ước
đạt trên 6 tỷ USD, tăng 63,6%; vốn thực hiện ước đạt 2,7 tỷ USD tăng 7,1%; giải
ngân vốn ODA đạt khá. Tiến trình tái cơ cấu đầu tư công đã được triển khai ngày
từ đầu năm 2013 và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.
Tăng trưởng GDP quý
I/2013 ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%), trong đó: Khu vực nông
nghiệp tăng 2,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,93%; khu vực dịch vụ
tăng 5,65%. Ngành xây dựng, sau một thời gian trì trệ, nhờ nỗ lực tháo gỡ khó
khăn của các cấp, các ngành, đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đạt mức tăng
4,79% trong quý I/2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm liên tiếp trước đó (năm
2012 tăng 0,77%; năm 2011 giảm 0,01%). Có gần 7,65 nghìn trong số 13 nghìn
doanh nghiệp (khoảng gần 60%) tạm ngừng hoạt động trong năm 2012 đã quay lại
trở lại hoạt động trong quí I/2013. An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm.
Trong tháng 3/2013, ước tạo việc làm khoảng 130,5 nghìn lao động; tính chung
quý I/2013, ước tạo việc làm khoảng 361,7 nghìn lao động.
Các lĩnh vực y tế, giáo
dục, thông tin, truyền thông, văn hoá - nghệ thuật, thể dục thể thao được đẩy
mạnh. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được tăng cường. Quốc phòng, an
ninh, đối ngoại được tăng cường. Công tác cải cách hành chính, phòng
chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực.
Tai nạn giao thông trong tháng 3 đã giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng
kỳ năm 2012. So với tháng trước, số vụ tai
nạn giảm 34,5%; số người chết giảm 36,9%; số người bị thương giảm 29,3%.
So với tháng cùng kỳ năm 2012, số vụ tai nạn giảm 9,2%; số người chết giảm
13,5%; số người bị thương giảm 7,3%.
Tuy nhiên, tại Phiên họp
này, Chính phủ cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn
còn những khó khăn, thách thức, tồn tại, trong đó nổi lên là: Khu vực nông, lâm
nghiệp, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn; công nghiệp, xây dựng có mức tăng
trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Lạm phát được kiềm chế song chưa vững chắc.
Lãi suất cho vay đã giảm nhẹ nhưng còn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn
của doanh nghiệp; tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn trong tiếp cận nguồn
vốn tín dụng. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn ở
mức cao. Tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân
hàng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chậm được giải quyết… Số
vụ tai nạn giao thông trong quý I/2013 còn cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động còn khó khăn. Việc nghiên cứu
và ban hành, thực hiện các chính sách cụ thể hóa các giải pháp đã đề ra trong
Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu hỗ
trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi và phát triển nền kinh tế...
Phát huy những kết quả
đạt được trong quý I, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh
tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương
cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung: Triển khai
các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết
02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách phù hợp;
đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kiên trì mục tiêu tổng
quát, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm trước; tập trung tháo gỡ khó
khăn cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Ngân hàng phải có biện pháp quản lý
tốt tỷ giá; cùng với việc hạ lãi suất cho vay phải có biện pháp và tăng cường
kiểm tra để vốn vay với lãi suất thấp thực sự đến được với doanh nghiệp, tăng
dư nợ tín dụng; đồng thời chú ý cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu. Chỉ đạo quyết liệt
công tác thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) để bảo đảm các cân đối theo kế
hoạch, đồng thời giữ được mức bội chi NSNN đã được Quốc hội thông qua; tăng
cường tiết kiệm chi thường xuyên; giảm tối đa các chuyến đi công tác nước ngoài
của cán bộ, công chức. Khẩn trương triển khai các giải pháp, chính sách về thuế
đã ban hành, đồng thời trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định về thuế
thu nhập doanh nghiệp, VAT..., nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản
xuất kinh doanh; đôn đốc giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và tín dụng Nhà nước, xem
xét ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2014, nhất là đối với
những công trình cấp bách; chú trọng thu hút và giải ngân vốn FDI và ODA., Tăng
cường bình ổn thị trường, giá cả; ngăn chặn có hiệu quả hàng nhập lậu, bảo đảm
vệ sinh an toàn thực phẩm. Các bộ, ngành, địa phương quan tâm hướng dẫn việc
điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như dịch vụ y tế và giá thuốc...
theo lộ trình thích hợp để không gây tăng CPI đột biến; đảm bảo cung cấp
đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt; tăng cường hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh,
thiên tai, hạn hán, ngập mặn...Chú trọng công tác xúc tiến thương mại, mở rộng
thị trường xuất khẩu hàng hóa; tích cực đàm phán các Hiệp định tự do thương mại
song phương và đa phương. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở bằng
nhiều biện pháp phù hợp, trong đó cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội
với lãi suất ưu đãi ổn định (tối đa 6%/năm); cho người nước ngoài mua nhà để ở.
Thủ tướng Chính phủ cũng
chỉ đạo: Trên cơ sở Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô
hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh
tranh giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành,
địa phương cần khẩn trương xây dựng, triển khai Chương trình hành động. Tiếp
tục quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho
người lao động, nhất là đối với đồng bào, dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai,
hạn hán. Tăng cường thực hiện các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn
giao thông; phòng chống cháy nổ và trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là tại các
thành phố lớn.
Tăng cường cải cách hành
chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, có biện pháp đẩy
nhanh tiến độ đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; đẩy mạnh
phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bảo đảm an ninh quốc
phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội,
nhất là ngăn chặn, kiềm chế các loại tội phạm và giảm thiểu tai nạn giao thông;
làm tốt công tác đối ngoại, trong đó tích cực, chủ động trong đàm phán các hiệp
định thương mại tự do; đấu tranh với các rào cản thương mại; nâng cao khả
năng giải quyết các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.
Các Bộ, ngành, địa
phương chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và phản ứng kịp thời với những
thông tin sai lệch; đồng thời các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công
tác thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách,
pháp luật của Nhà nước; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền trong đợt lấy ý kiến
nhân dân đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.
(Theo dangcongsan.vn)