Tổng hợp thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần
Tin trong nước
Tổng hợp thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần (04/03/2013)
Hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi; tăng mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ cận nghèo; mua dự trữ 40 triệu liều vắc xin cúm gia cầm; ... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 25/2/2013 - 1/3/2013.

Hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi

Theo quyết định về tín dụng đối với hộ cận nghèo đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mức cho vay đối với hộ cận nghèo do Ngân hàng Chính sách Xã hội và hộ cận nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ.

Về lãi suất, lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Còn thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ cận nghèo vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy trình cho vay đối với hộ cận nghèo được thực hiện như đối với cho vay hộ nghèo.

Tăng mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ cận nghèo

Hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm thay vì mức hỗ trợ 80% như hiện nay.

Đó là một trong những nội dung tại Quyết định 358/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013.

Các hộ nông dân, cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm đối với vật nuôi thì vẫn được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Quyết định 719/QĐ-TTg ngày 5/6/2008 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Quyết định 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg; Quyết định 142/2009/QĐ-TTg  ngày 31/12/2009 về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định 49/2012/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 về sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định 142/2009/QĐ-TTg.

Căn cứ mức bồi thường bảo hiểm thực tế, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn triển khai thí điểm quyết định cụ thể mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nông dân, cá nhân, tổ chức, tổ chức sản xuất nông nghiệp bảo đảm tổng mức bồi thường bảo hiểm và mức hỗ trợ trực tiếp đối với trường hợp vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra theo nguyên tắc không vượt quá giá trị kinh tế của vật nuôi tại thời điểm vật nuôi bị thiệt hại.

Mua dự trữ 40 triệu liều vắc xin cúm gia cầm

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua dự trữ 40 triệu liều vắc xin cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp khi có dịch xảy ra. Thời gian thực hiện từ ngày 1/3 - 31/12/2013.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng mục đích số lượng, chủng loại vắc xin; chỉ đạo việc luân chuyển vắc xin để đảm bảo hạn sử dụng; quyết định cấp vắc xin, hướng dẫn các địa phương tiêm phòng khi xảy ra dịch bệnh khẩn cấp; hoàn trả ngân sách nhà nước kinh phí mua vắc xin nếu không có nhu cầu sử dụng; phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung kinh phí để mua vắc xin phục vụ yêu cầu phòng chống dịch khẩn cấp.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương để mua vắc xin hỗ trợ phòng chống dịch khẩn cấp trên địa bàn ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; đảm bảo kinh phí tổ chức tiêm phòng, mua dụng cụ, bảo hộ lao động cho người tiêm phòng và các chi phí khác phục vụ công tác tiêm phòng theo các quy định hiện hành. 

Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Chiến lược, đến năm 2020, hệ thống giao thông vận tải nước ta cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, thuận lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hình thành được một hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại nhằm góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Đến năm 2020, tổng khối lượng vận chuyển hành khách là 6.240 triệu hành khách, trong đó đường bộ đảm nhận 86,0÷90,0%; đường sắt 1,0÷2,0%; đường thủy nội địa 4,5÷7,5% và hàng không 1,0÷1,7%. Tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa là 2.090 triệu tấn, trong đó đường bộ đảm nhận 65,0÷70,0%; đường sắt 1,0÷3,0%; đường thủy nội địa 17,0÷20,0%; đường biển 9,0÷14,0% và hàng không 0,1÷0,2%.

Nghiên cứu mở rộng, nâng mức cho vay tín dụng đối với HSSV

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất nâng mức cho vay đối với HSSV đảm bảo đủ để các em trang trải học phí và hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt ở mức hợp lý trên cơ sở lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ phê duyệt, có sự khác nhau theo học phí của các chương trình đào tạo.

Trên cơ sở cân đối khả năng đáp ứng từ ngân sách, Bộ Tài chính cùng với các đơn vị trên rà soát, nghiên cứu, đề xuất chính sách cụ thể về cho vay đối với hộ gia đình gặp khó khăn do có từ 2 con trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo mà hiện nay chưa thuộc đối tượng được vay vốn.

Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, gia hạn nợ thêm đối với các trường hợp HSSV đã tốt nghiệp nhưng gặp khó khăn về việc làm chưa trả được nợ; rà soát nhu cầu vốn và chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2013 để công bố trong tháng 4/2013 về các điều chỉnh đối với chính sách dự kiến thực hiện từ năm học 2014...

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân

Tại Thông báo số 85/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân.

Theo chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, ngành cơ quan chức năng có liên quan của Trung ương và UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh, thành phố đánh giá, rút kinh nghiệm, thống nhất phương án phối hợp tiếp dân, nhất là việc tiếp những đoàn khiếu nại, tố cáo đông người, những trường hợp khiếu nại, tố cáo gay gắt, bức xúc, kéo dài bảo đảm việc tiếp công dân trật tự, đúng quy định, giữ gìn an ninh, trật tự công cộng ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác tiếp dân; bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất, có trách nhiệm, tâm huyết làm công tác tiếp dân; thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân. Đồng thời, thực hiện nghiêm, đầy đủ quy định tiếp dân định kỳ; tăng cường đối thoại, tổ chức tiếp dân tại cơ sở, phải đặt mình vào vị trí của người khiếu nại, giải quyết kịp thời các khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của dân; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

 

(theo chinhphu.vn)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: