Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 1 trong
hơn 4.000 di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn phát triển kể từ
khi thành lập kinh đô Thăng Long dưới triều Lý. Đây là quần thể di tích đặc
biệt của Thủ đô, nơi hội tụ của giá trị di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi
vật thể, lịch sử và nghệ thuật, khoa học và giáo dục, thông tin tư liệu ký ức,
niềm tự hào của người dân Thủ đô và dân tộc Việt Nam trong truyền thống ngàn
năm văn hiến của Việt Nam.
Quá trình hình thành và phát triển
của Văn Miếu –Quốc Tử Giám gắn liền với sự nghiệp của nhiều danh nhân nổi tiếng
trong đó có 3 vị vua.
Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu để thờ đức
Khổng Tử và làm nơi học hành cho Hoàng gia. Năm 1370, vua Trần Nghệ Tông cho Chu
Văn An trước đó giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám được thờ vào Văn Miếu sau khi
ông qua đời. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông với mục đích đề cao sự “Học” và tôn
vinh các bậc trí thức Nho học đỗ đại khoa đã cho dựng 82 bia Tiến sỹ tại Văn
Miếu – Quốc Tử Giám, lưu danh 1.306 vị đỗ Tiến sỹ trong 82 kỳ thi trải gần
300 năm (từ 1442 -1779), ghi lại lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại
về nền giáo dục và đào tạo, về việc sử dụng nhân tài.
Do đó, Văn Miếu – Quốc Tử Giám có
tác động to lớn với xã hội đương thời và hậu thế. Trong tấm bia đầu tiên tại
khoa thi năm 1442 do Đông các Đại học sỹ Thân Nhân Trung viết: “Hiền tài là
nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí
kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các bậc thánh đế minh vương không ai không
chăm lo xây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí là việc cần kíp”.
Trải qua gần 1.000 năm lịch sử, với
biết bao trí tuệ, công sức, đóng góp của các bậc tiền nhân qua nhiều đời, nhiều
thế hệ đã góp phần sáng tạo, hun đúc, bảo tồn và lưu truyền lại cho chúng ta
ngày hôm nay một di sản văn hóa vô giá, có một không hai của Việt Nam.
Khi đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám,
nhà sử học có thể tìm thấy những tư liệu về lịch sử nền giáo dục Việt Nam, về
những tên tuổi gắn bó với lịch sử dân tộc, quê quán, danh tính những bậc hiền
nhân, hiền tài. Nhà địa lý có thể tra cứu những địa danh cũ để tìm ra những
vùng đất cổ liên quan đến thời hiện tại. Nhà nghiên cứu triết học có thể tìm ở
đây những chứng cứ để xác định vai trò của Nho giáo ở Việt Nam.
Những người Việt Nam khi tới đây có
thể tìm thấy tên họ một vị tổ tiên có trong khoa bảng. Nhà nghiên cứu mỹ thuật
và các nghệ sỹ tạo hình có thể từ những hình dáng bia, rùa, hoa văn và các kiểu
cách chạm khắc trên bia mà phát hiện ra tinh hoa của nghệ thuật dân tộc để phát
huy, áp dụng vào những sáng tạo hiện đại.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Bia Tiến sỹ, song việc khai thác tư liệu từ các pho “sử đá” này vẫn còn nhiều tiềm năng để tiếp tục. Các nhà khoa học đều thống nhất cho rằng Bia Tiến sỹ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có nhiều giá trị độc đáo và hiếm có về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật chế tác… không chỉ với Việt Nam mà với cả thế giới.
Với những giá trị đó, từ năm 1962, Văn Miếu - Quốc Tử Giám
đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm
2010, 82 tấm Bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là
Di sản Tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Tháng 5/2012, Văn Miếu - Quốc Tử Giám
được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn
là điểm đến tham quan, tìm hiểu, học tập của nhân dân trong nước, du khách quốc
tế và nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Lượng khách đến Văn Miếu – Quốc
Tử Giám đã tăng từ mức 300.000 lượt người/năm lên trên 1,5 triệu lượt
người/năm.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã làm rạng
rỡ truyền thống văn hóa, lịch sử sâu đậm của dân tộc Việt Nam, tôn vinh nền văn
hóa, giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài của dân
tộc Việt.
Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng công
nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Bằng công nhận 82 tấm
bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản Tư liệu Thế giới, Phó Thủ
tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng nhân dân Thủ đô Hà Nội và cho rằng, việc Văn
Miếu -Quốc Tử Giám chính thức được bảo vệ ở tầm quốc gia và quốc tế là một vinh
dự vô cùng to lớn của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói
chung. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục là một trong những trụ cột quan trọng
của mỗi quốc gia. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng trường tồn, vĩnh cửu
của tinh hoa văn hóa, giáo dục Việt Nam.
Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 tấm Bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được vinh danh là vinh dự và trách nhiệm của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo Thủ đô, ngành văn hóa, giáo dục Thủ đô, mỗi gia đình và người dân Thủ đô sẽ có sáng kiến và cách làm riêng của mình để con cháu và thế hệ thanh niên hiểu sâu sắc hơn, tự hào hơn về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, về truyền thống hiếu học để giữ nước và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp của nhân dân ta.