Tổng hợp thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần
Tin trong nước
Tổng hợp thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần (11/03/2013)
Khẩn trương, quyết liệt đưa chính sách tháo gỡ khó khăn vào cuộc sống; Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; Thủ tướng Chính phủ quyết định về mua bán vàng miếng; Xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 4/3 - 8/3/2012.

Khẩn trương đưa chính sách tháo gỡ khó khăn vào cuộc sống

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2013, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương, quyết liệt đưa các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đi vào cuộc sống; tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; triển khai đồng thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2013.

Nghị quyết Chính phủ nêu rõ, các Bộ, cơ quan, địa phương cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp chủ yếu đã đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013, số 17/NQ-CP ngày 1/2/2013 của Chính phủ, Thông báo số 79/TB-VPCP ngày 22/2/2013 về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai công tác sau Tết Quý Tỵ.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất, tăng dư nợ tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm 2013, bảo đảm vừa hỗ trợ sản xuất, vừa kiểm soát lạm phát; theo dõi và điều hành tỷ giá hợp lý; tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; cơ cấu nợ và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

Bộ Công Thương và các địa phương tập trung chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường theo dõi, quyết liệt phòng chống, khống chế, dập dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác chống buôn lậu gia cầm, đại gia súc qua biên giới; tập trung chỉ đạo công tác chống hạn, bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất; tổng kết và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn; khẩn trương hoàn thiện Đề án sản phẩm nông nghiệp trọng điểm quốc gia, dự thảo Nghị định về cá tra trình Chính phủ.

Các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế; xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực, vùng thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước và chức năng, nhiệm vụ được giao; hoàn thành việc ban hành và thực hiện hiệu quả các quy định, hướng dẫn, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương hàng tháng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc nêu trong Nghị quyết gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ; tích cực chuẩn bị các Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI).

Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động cung cấp thông tin định hướng dư luận; tăng cường tuyên truyền góp ý sửa đổi Hiến pháp, giải thích các vấn đề dư luận quan tâm, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo xử lý vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại km 1497+800 quốc lộ 1, địa phận xã Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 8/3/2013, tại km 1497+800 quốc lộ 1, địa phận xã Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng làm 11 người chết, 49 người bị thương.

Để sớm khắc phục hậu quả và chủ động phòng, ngừa tai nạn giao thông trên tuyến giao thông này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương cấp cứu người bị nạn, thăm hỏi, giúp đỡ gia đình có người chết và tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và các địa phương có các giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 1 và các tuyến đường bộ trọng điểm khác; tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động vận tải bằng xe khách, tránh xảy ra tai nạn tương tự.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương điều tra làm rõ vụ tai nạn giao thông này.

Chương trình hành động của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông" đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, phấn đấu hàng năm kiềm chế, làm giảm từ 5% -10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ.

Chương trình nêu rõ, mục tiêu kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, giảm thiểu đến mức thấp nhất số người chết do tai nạn giao thông và giảm ùn tắc giao thông phải luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt và được xác định rõ trong chương trình công tác hàng năm và dài hạn của các Bộ, ngành, địa phương.

Các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện, tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đấu tranh phê phán các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác hàng năm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công nhân viên.

Xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, trong đó yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao hiểu biết, ý thức của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ kinh doanh mũ bảo hiểm trong việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm; xử lý nghiêm việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc không rõ ràng; vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người sử dụng.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Công an, Giao thông vận tải có biện pháp tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm sử dụng cho người đi mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông, nhất là đối với việc sản xuất, kinh doanh và dán tem, nhãn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì việc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm theo quy định; khẩn trương xây dựng và tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc thực hiện việc kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm giả, nhập lậu, mũ bảo hiểm không đúng quy định, không đảm bảo chất lượng. Có biện pháp xử lý ngay việc bày bán mũ bảo hiểm tràn lan trên các đường giao thông, hè phố, gây cản trở giao thông và thiếu mỹ quan.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an phải chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách.

Thủ tướng Chính phủ quyết định về mua, bán vàng miếng

Theo Quyết định 16/2013/QĐ-TTg về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, căn cứ mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng nhà nước mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được mua vàng miếng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép theo phương án mua, bán vàng miếng trong từng thời kỳ.

Việc xác định giá mua, giá bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với từng hình thức mua, bán vàng miếng theo quy định.

Quyết định cũng quy định Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định phương án can thiệp thị trường vàng theo quy định.

Trong đó, phương án mua vàng miếng hoặc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước để can thiệp thị trường vàng trong từng thời kỳ bao gồm các nội dung: Thời điểm mua, bán; khối lượng vàng miếng mua, bán; hình thức mua, bán; đối tượng thực hiện mua, bán; các mức giá mua, bán cụ thể phù hợp với từng hình thức thực hiện mua, bán; các nội dung khác có liên quan.

Tăng cường phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại.

Để phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả sự cố hóa chất độc hại trên phạm vi cả nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyền truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đặc biệt là việc quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất.

Bộ Công Thương cũng phải phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, rà soát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đối với các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc kiến nghị ban hành mới các văn bản về tăng cường quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất nhằm chủ độ phòng ngừa các sự cố hóa chất, cháy nổ xảy ra.

Các Tập đoàn, Tổng công ty, các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất phải xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặt tính của hóa chất, đảm bảo đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy, nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại theo quy định và đảm bảo khả năng ứng phó tại chỗ khi sự cố hóa chất xảy ra. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất quy mô lớn cần lập phương án ứng phó sự cố và định kỳ thực hành diễn tập.

Thủ tướng lưu ý UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong ứng phó sự cố hóa chất như Công Thương, Phòng cháy chữa cháy, Y tế...

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, quản lý việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất của các tổ chức, cá nhân; chỉ đạo lực lượng Phòng cháy, chữa cháy chuẩn bị lực lượng, thiết bị và lập phương án ứng phó khi có sự cố hóa chất xảy ra, trong đó có việc phối hợp với quân đội, chính quyền địa phương sơ tán dân khỏi những vùng nguy hiểm và tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất.

Tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản đến năm 2020

Theo Quyết định số 375/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, đến năm 2020, khoảng 40% tàu cá khai thác hải sản trên biển hoạt động theo các mô hình liên kết. Số vụ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro trên biển giảm xuống dưới 75% so với năm 2011...

Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, đồng thời hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả và bền vững.

Cụ thể, đến năm 2020, khoảng 40% tàu có khai thác hải sản trên biển hoạt động theo các mô hình liên kết. Trong đó, 90-100% tàu cá hoạt động ở vùng khơi tổ chức sản xuất theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường. 100% tàu cá khai thác hải sản vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường hạn ngắn (7-15 ngày/bản tin).

Đề án cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2020 giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%; giảm số vụ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro trên biển xuống dưới 75% so với năm 2011.

Cơ cấu lại thị trường bất động sản sang phân khúc thấp, giảm tồn kho

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương có nhiều dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản tổ chức rà soát, cơ cấu lại thị trường bất động sản chuyển sang phân khúc thấp, giảm hàng tồn kho; hướng dẫn các địa phương chuyển đổi dự án phát triển nhà ở thương mại thành dự án nhà ở xã hội.

Đồng thời, để tăng cường minh bạch thông tin về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng và các địa phương phải thực hiện đăng tải thông tin về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản trên website của Bộ Xây dựng và website của các địa phương, hướng dẫn các sàn giao dịch bất động sản hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương hoàn thiện cơ chế chính sách về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý đô thị, nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý nhà nước, hướng dẫn các địa phương thực hiện phát triển nhà ở theo định hướng của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng lưu ý cần tập trung chỉ đạo việc hỗ trợ nhà ở cho người nghèo đặc biệt là các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại khu vực hải đảo, miền núi; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp tại đô thị.

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban chỉ đạo 127 Trung ương) tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời có chỉ đạo kịp thời, sát thực công tác kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, phát hiện các đường dây buôn lậu lớn, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đặc biệt các tỉnh giáp biên giới có biện pháp hỗ trợ cư dân có công ăn việc làm ổn định, mở các lớp dạy nghề hoặc có cơ chế hỗ trợ lao động sản xuất chính đáng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12/5/2011 hướng dẫn chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để khắc phục ngay tình trạng lợi dụng để hợp thức hóa hàng lậu, sớm trình Chính phủ Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu, khí hóa lỏng; bảo vệ người tiêu dùng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phụ gia thực phẩm đã bị cấm sử dụng ở nước ngoài; các quy định về sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi.

 

(Theo chinhphu.vn)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: