Hội nghị trực tuyến về công tác lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Tin trong nước
Hội nghị trực tuyến về công tác lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (07/03/2013)
Sáng 6-3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước bàn về thực hiện đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương, đồng thời nắm bắt kết quả bước đầu về công tác lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại điểm cầu tỉnh Phú Yên, đồng chí Phạm Đình Cự, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan dự hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 4/3 đã có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi báo cáo về tình hình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Việc lấy ý kiến nhân dân được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát Kết luận của Hội nghị Trung ương 2 và 6 khóa XI, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chính phủ... Các đối tượng lấy ý kiến rất phong phú, đa dạng, có chất lượng, phản ánh được ý kiến chính đáng của nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, không để các đối tượng xấu lợi dụng đợt sinh hoạt chính trị dân chủ này để chống phá, xuyên tạc đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Bộ Tư pháp cũng cho biết, quá trình triển khai lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp gặp một số khó khăn như tiến hành trong thời gian tương đối gấp, trùng với thời gian các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao trong triển khai công tác năm 2013, sau đó là dịp nghỉ Tết Nguyên đán…

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn do địa hình cách trở nên sự quan tâm, đóng góp ý kiến của trường hợp này còn hạn chế. Việc Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ban hành chậm hướng dẫn tập hợp, tổng hợp ý kiến nhân dân khiến nhiều địa phương phải tâp hợp, tổng hợp lại gây mất thời gian.

Mặc dù nhiều khó khăn trong tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tuy nhiên đại diện các bộ, ngành, địa phương đều bày tỏ quyết tâm gửi báo cáo tổng hợp ý kiến đến Ban chỉ đạo đúng thời hạn trước ngày 15/3.

Nhiều ý kiến đề nghị sau thời hạn Chính phủ gửi báo cáo tổng hợp góp ý Hiến pháp lên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vào ngày 31/3, cần tiếp tục tổ chức tập hợp, tổng hợp lấy ý kiến về Dự thảo cho đến khi Hiến pháp mới được thông qua.

Với các Bộ, ngành, bên cạnh những đóng góp chung cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn tập trung góp ý xây dựng các vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình mà Hiến pháp đề cập đến. Các Bộ, ngành, địa phương chủ yếu lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Còn vùng nông thôn, nông dân, các chức sắc, tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu sổ còn ít được tổ chức lấy ý kiến.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá đến thời điểm này, việc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã cơ bản thành công, đạt mục đích và yêu cầu đề ra. “Đây thực sự là cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn trong đời sống chính trị đất nước, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đồng bào trong và ngoài nước”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần đảm bảo tính dân chủ, khách quan, trung thực. Đối với những nội dung góp ý trái với đường lối của Đảng cần phải phản bác lại trên cơ sở lý luận khoa học.

Phó Thủ tướng lưu ý các cơ quan, đơn vị cần tranh thủ sự góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý. Báo cáo cần thể hiện rõ phương pháp thống kê, so sánh các ý kiến ủng hộ, không ủng hộ đối với các vấn đề quan trọng.

“Các Bộ, ngành địa phương duy trì tiếp nhận ý kiến nhân dân để góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho đến khi được thông qua vào cuối năm 2013”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về công tác tuyên truyền cho đợt lấy ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp uỷ chỉ đạo các phương tiện truyền thông tuyên truyền đúng định hướng, đảm bảo tự do, dân chủ. Các cơ quan báo chí quan tâm đăng tải các ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đồng thời phải thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc sửa đổi Hiến pháp.

 

(theo chinhphu.vn)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: