Theo Bộ Nội vụ, sau 25 năm đổi
mới và hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa ở nước ta đã và
đang diễn ra nhanh chóng, dẫn đến nhiều khác biệt về hoạt động kinh
tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng giữa đô thị và nông thôn. Tuy
nhiên, theo quy định của pháp luật hiện nay, mô hình chính quyền địa
phương ở nước ta về cơ bản giống nhau, đều tổ chức 3 cấp chính quyền
(tỉnh, huyện, xã) và vẫn dựa trên cách quản lý của chính quyền nông
thôn. Theo đó, chính quyền ở đô thị cũng tổ chức cấp hành chính và
thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như chính quyền nông thôn cùng
cấp, đồng thời có thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý trên địa
bàn đô thị.
Thực tế này dẫn đến nhiều vấn
đề cấp thiết của đô thị như quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng
đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự an toàn
xã hội… chưa được giải quyết kịp thời và cũng chưa phù hợp với
nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ,
trong đó đô thị do kết cấu hạ tầng thống nhất đòi hỏi phải quản lý
theo ngành là chủ yếu, khác với nông thôn quản lý theo lãnh thổ là
chủ yếu.
Từ thực trạng tổ chức chính
quyền địa phương nêu trên, đòi hỏi cần thiết phải làm rõ sự khác
biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định rõ mô hình tổ chức,
chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính
quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở địa bàn nông thôn.
Đề án do Bộ Nội vụ trình
Chính phủ cho ý kiến gồm các nội dung chính như làm rõ đặc điểm
của đô thị khác với nông thôn, từ đó xác định các đặc trưng quản lý
chính quyền đô thị; đánh giá hiện trạng tổ chức và hoạt động của
chính quyền địa phương ở nước ta (trong đó có chính quyền đô thị),
nêu rõ các hạn chế, bất cập cần khắc phục.
Từ những nghiên cứu này, Bộ
Nội vụ đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với
từng loại hình đơn vị hành chính đô thị bao gồm thành phố trực
thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã và thị trấn. Quận,
phường được xác định là nội thành, nội thị trực thuộc đơn vị hành
chính đô thị.
Theo kế hoạch, trong tháng 3 tới,
Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Nếu được thông qua, Chính phủ,
các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương sẽ xây dựng các nội dung
liên quan để thực hiện Đề án.