Việc xây dựng mô hình chính quyền đô
thị nhằm xác định rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó, xác
định mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động
phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở nông thôn. Nhiệm
vụ này đã được đặt ra trong nhiều Nghị quyết của Đảng về cải cách hành chính
thời gian qua.
Mô hình chính quyền đô thị trong Đề
án được nghiên cứu trên cơ sở thực trạng tổ chức chính quyền địa phương ở nước
ta hiện nay cũng như kết quả từ việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện,
phường và những bất cập, hạn chế trong mô hình tổ chức quyền địa phương hiện
nay.
Ban soạn thảo đề xuất 3 phương án tổ
chức chính quyền đô thị để lấy ý kiến của các đại biểu, nhằm hoàn thiện để
trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Góp ý về dự thảo đề án thí điểm, các
đại biểu bày tỏ sự đồng tình việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng
yêu cầu phát triển của đô thị hiện nay như: tạo sự nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu
quả, nâng cao công tác quản lý nhà nước…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là Đề án lớn, phản ánh sự đổi mới tư duy
hiện nay, đồng thời cũng cho thấy tính chất phức tạp của Đề án. Do đó, việc
nghiên cứu, triển khai Đề án cần có lộ trình, bước đi cụ thể, vững chắc, có
tổng kết từ kinh nghiệm thực tiễn.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ tính cấp
bách của Đề án này bởi đây sẽ là cơ sở để kiến nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992 xem xét đưa vào Hiến pháp lần này về chính quyền đô thị và chính
quyền nông thôn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao
Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện
Đề án trình Bộ Chính trị đúng tiến độ đặt ra. Đặc biệt, các vấn đề đưa ra trong
Đề án phải có cơ sở lý luận và thực tiễn với các nguyên tắc cụ thể, từ đó, đi
đến thống nhất tên gọi là Mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Về các phương án
mà Ban Chỉ đạo đưa ra cần có phân tích, làm rõ các lý do để Bộ Chính trị cho ý
kiến, quyết định.