Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên
Trả lời công dân
Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên (29/08/2022)
Bộ Công Thương vừa có Văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên tại đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (do Văn phòng Chính phủ chuyển đến).

Nội dung thứ nhất, cử tri kiến nghị: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu sử dụng kít test nhanh COVID-19 của Nhân dân tăng cao, trên thị trường xuất hiện nhiều loại kít test nhanh với nhiều mức giá khác nhau và có loại chưa được kiểm chứng về mặt chất lượng. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán các mặt hàng test nhanh kháng nguyên COVID-19, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Liên quan vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Công Thương đã giao lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) là đơn vị chủ lực trong công tác giám sát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng liên quan như Thanh tra Y tế, Công an tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về niêm yết giá, găm hàng, nâng giá bất hợp lý; tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, nhất là thiết bị vật tư y tế như khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy đo nồng độ SP02, kit test xét nghiệm...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, trong thời gian qua lực lượng QLTT đã liên tục kiểm tra, thu giữ, xử phạt hàng trăm vụ buôn bán vật tư y tế nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép lưu hành. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng QLTT đã thu giữ trên 500 nghìn bộ kit test nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở nhiều địa phương trên cả nước như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, An Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thừa Thiên Huế...Trong đó, nhiều vụ việc lớn, điển hình như: QLTT thành phố Hồ chí Minh thu giữ 60.000 bộ kit test nhanh Covid-19 các loại và gần 80.000 viên thuốc điều trị Covid-19 Liên Hoa Thanh Ôn là hàng hóa ngoại nhập không hóa đơn chứng từ; QLTT tỉnh Quảng Ninh thu giữ trên 46.000 bộ kit test không hóa đơn chứng từ; QLTT Hà Nội thu giữ 60.000 bộ kit test, 3.000 sản phẩm thuốc tân dược và gần 200.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ giá trị trên 10 tỷ đồng, đây là vụ việc thu giữ hàng lậu lớn nhất từ đầu năm 2022 đến nay...

Với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, lực lượng chức năng, đến nay, số vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay, thuốc phòng, chữa bệnh, test thử nhanh Covid... đã giảm nhiều, nguồn cung hàng hóa trên thị trường ổn định, không còn hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng thuốc, vật tư y tế phòng chống dịch.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Biên phòng, Hải quan để ngăn ngừa từ sớm hàng hóa, thiết bị vật tư y tế thẩm lậu vào thị trường nội địa. Đồng thời, Bộ sẽ chỉ đạo tăng cường phối hợp với UBND các cấp, các đơn vị chức năng trên địa bàn, nhất là Ban chỉ đạo 389 các địa phương để làm tốt công tác quản lý theo địa bàn, giám sát một cách thường xuyên kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng tăng giá bán bất hợp lý. Mặt khác, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị QLTT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Lãnh đạo Bộ nếu để địa bàn quản lý có những vi phạm trong hoạt động công vụ hoặc để xảy ra các hành vi gian lận thương mại đã được các cơ quan chức năng hay người dân phản ánh, phát hiện mà không được xử lý.

Nội dung thứ hai, cử tri kiến nghị: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, nhằm tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay người nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, như: giá cả các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc; việc thu hoạch, giá vận chuyển ngày càng tăng cao, trong khi đó giá đầu ra sản phẩm nông nghiệp thấp, người nông dân thua lỗ nặng nề. Cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp kiểm soát, bình ổn giá vật tư nông nghiệp, giá xăng đầu..; có chiến lược, giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản cho người nông dân; thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nông dân khi gặp rủi ro, mất mùa, mất giá, để người dân yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương”.

Vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:

Về giải pháp kiểm soát, bình ổn giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp tế:

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và xu hướng gia tăng lạm phát tại nhiều nước trên thế giới. Tại thị trường trong nước, hiện nay, giá một số mặt hàng như xăng dầu, gas, vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi... đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù nguồn cung các mặt hàng này cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, tuy nhiên giá tăng là do chịu ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới và do Việt Nam phải nhập khẩu các nguyên liệu, thành phẩm để sản xuất.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã có một số giải pháp nhằm góp phần bình ổn giá đối với mặt hàng phân bón như: Bộ Công Thương đã có Văn bản đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, giảm tồn kho, kiểm soát kênh phân phối, tiết giảm chi phí sản xuất, ưu tiên tối đa tiêu thụ phân bón tại thị trường trong nước, định kỳ báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ phân bón; Làm việc trực tiếp với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá tình hình sản xuất, nắm bắt tình hình biến động giá cả trong nước và thế giới, tình hình cung ứng phân bón ra thị trường, các biện pháp chỉ đạo điều hành hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm cung ứng tối đa cho thị trường nội địa...

Đối với mặt hàng xăng dầu: Giá xăng dầu hiện được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính điều hành theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP), Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Nghị định số 95/2021/NĐ-CP), theo đó định hướng điều hành luôn hướng tới phù hợp với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong nước, đặc biệt nhằm giảm thiểu sự tác động đến mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch và đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trước diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới liên tục có diễn biến tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương – Bộ Tài Chính đã thực hiện điều chỉnh mức trích lập và liên tục chi sử dụng Quỹ BOG nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước (kể từ kỳ điều hành ngày 11/01/2022 đến nay đã chi 650 đồng/lít đối với Xăng E5RON92, 100 đồng/lít đối với xăng RON95, 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, 400 đồng/lít đối với dầu hỏa), công tác điều hành giá xăng dầu trong nước được thực hiện theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Trong thời gian tới, nhằm góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện tái sản xuất, Bộ Công Thương sẽ phối hợp thực hiện đồng bộ một số nội dung như: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, nhất là chương trình bình ổn thị trường; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng giá tăng, giảm bất hợp lý; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Ngoài ra, để kịp thời, đáp ứng yêu cầu của xã hội, bối cảnh giá xăng dầu vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, việc sử dụng công cụ Quỹ BOG bị hạn chế do không còn nhiều dư địa (số dư Quỹ BOG đang ở mức thấp, số dư Quỹ BOG tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm) Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn và tiếp tục giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 08/7/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn.

Hiện số dư Quỹ BOG đang dần được khôi phục, thời gian tới, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu theo hướng phù hợp với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong nước, duy trì công cụ Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ. Ngoài ra, bên cạnh công cụ Quỹ BOG, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ (nếu cần thiết) chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu để có cơ sở bình ổn giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong trường hợp giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân.

Về vấn đề được mùa mất giá và có giải hữu hiệu giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản cho người nông dân:

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn tạo đầu ra ổn định, bền vững, hạn chế tình trạng bấp bênh về giá cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tích cực triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư để thu hút các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hệ thống phân phối siêu thị, Trung tâm thương mại, kho dự trữ, chế biến nông sản....

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được qui định tại các Quy hoạch, Chiến lược, Đề án, Chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặc biệt là Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2021.

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá ổn định. Việc triển khai chương trình vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ với nông dân, qua đó giúp nông dân yên tâm sản xuất khi đầu ra tiêu thụ ổn định.

Tiếp tục phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức các hội nghị kết nối cung, cầu để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và nước ngoài bằng nhiều hình thức: trực tiếp, trực tuyến, thông qua các sẵn thương mại điện tử...

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 (Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014) và Kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ dân sinh...,tạo tiền đề vật chất cho hoạt động lưu thông hàng hóa nói chung, nông sản-thực phẩm nói riêng. Đồng thời, sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện các cơ chế chính sách này để tiếp tục đề xuất có những điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa.

Tăng cường phối hợp ở cấp địa phương giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương ở những địa phương nông sản có số lượng lớn, thiết lập đầu mối tại tất cả các Sở Công Thương và tại Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương để tiếp nhận các thông liên quan đến tình hình tiêu thụ (sản lượng, giá cả, khả năng xuất khẩu, số lượng cần tiêu thụ trong nước... ) để kịp thời thông tin cho các địa phương yêu cầu các nhà phân phối, các chợ đầu mối tổ chức tiêu thụ.

Mỹ Luận

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: