Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo và các đại biểu tham dự họp tại điểm cầu Phú Yên
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan soạn thảo), Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm có 4 chương, 36 điều quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, đối tượng bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai).
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể 22 nhóm hành vi vi phạm hành chính về đất đai, trên cơ sở kế thừa các quy định trước đây, và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung lớn liên quan đến dự thảo Nghị định này về đối tượng áp dụng; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; xác định diện tích đất vi phạm và tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; các mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm; thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành; chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà không đủ điều kiện theo quy định…
Cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai dựa trên quy định của Luật Đất đai, các quy định của pháp luật nên các địa phương cần nghiên cứu đóng góp nhằm có công cụ chế tài những vi phạm lĩnh vực đất đai. Trong nghiên cứu ban hành Nghị định phải bảo đảm phù hợp, đồng bộ và thống nhất giữa pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan, bảo đảm kế thừa, ổn định của hệ thống Luật Đất đai, sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Các vấn đề liên quan đến đất đai có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nên các địa phương cần quan tâm đóng góp nhiều hơn trong xây dựng nghị định. Lưu ý đưa ra các biện pháp xử lý, phân cấp xử phạt vi phạm của UBND cấp xã, đối với những vi phạm vượt thẩm quyền, UBND cấp xã cần báo cáo kịp thời lên cấp trên để có hướng xử lý.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đóng góp nội dung dự thảo nghị định, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Xem xét những vi phạm phổ biến, khó xử lý nhằm có hình thức chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nhanh nội dung vi phạm, tránh kéo dài thời gian để hợp thức hóa sai phạm về đất đai…
Mỹ Luận