Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 680 doanh nghiệp nhà nước; trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4% nhưng nắm một lượng tài sản rất lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng; riêng 478 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước. 8 tháng năm 2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước đạt gần 781.973 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 31.236 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt gần 50.994 tỷ đồng.
Tại Phú Yên, hiện có 5 doanh nghiệp nhà nước; trong đó, có 3 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 02 doanh nghiệp có vốn nhà nước tại công ty. Tổng vốn điều lệ của 5 doanh nghiệp trên là 2.089,3 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 1.847,7 tỷ đồng chiếm 88,4%. Tổng doanh thu của 5 doanh nghiệp nhà nước trong 8 tháng đầu năm 2023 là 606,8 tỷ đồng đạt 77% và nộp ngân sách 113,2 tỷ đồng đạt 83% của Kế hoạch năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ngành, các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư... nhằm tháo gỡ khó khăn cho đầu tư phát triển doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường đóng góp, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước cần phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa các chương trình, dự án lớn của Nhà nước. Các cấp chính quyền tiếp tục tăng cường gặp gỡ doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước xây dựng thương hiệu của mỗi doanh nghiệp, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, đoàn kết, thống nhất, cạnh tranh lành mạnh và giúp nhau cùng phát triển. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các địa phương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
Thủy Loan