Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh
Tin tức nổi bật
Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh (16/11/2023)
Để chủ động triển khai ứng phó, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, gió mạnh sóng lớn, triều cường ven biển, Chủ tịch UBND tỉnh có công điện yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Đồng chí  Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác PCTT - TKCN năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023; triển khai công tác các tháng còn lại của năm 2023 diễn ra vào chiều 13/9/2023

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm chắc thông tin về mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, triều cường để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, không chủ quan, lơ là. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư tại các vùng trũng thấp, khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét, khu vực nguy hiểm chủ động triển khai thực hiện các biện pháp di dời, sơ tán dân đảm bảo an toàn. Triển khai lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt… vận động nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt. Kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán dân, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm (nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét) để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở đất

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài Thông tin Duyên hải Phú Yên, Chi cục Thuỷ sản theo dõi thời tiết nguy hiểm và kịp thời thông báo, hướng dẫn chủ các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết, để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn người và tài sản.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông, ngư nghiệp; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và các địa phương kiểm tra, có phương án vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, chủ động hạ mực nước đón lũ, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gây lũ nhân tạo do xả lũ hồ chứa, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình thủy lợi.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, lực lượng công an các địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại vùng thiên tai, nhất là đối với các khu vực sơ tán dân đi và đến; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động trên đường khi xảy ra thiên tai trong trường hợp cần thiết; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, phối hợp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ địa phương tổ chức sơ tán, cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra.

Sở Công thương chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, phối hợp chỉ đạo hạ mực nước đón lũ theo quy định; phối hợp điều tiết liên hồ chứa góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gây lũ nhân tạo, đột ngột do xả lũ hồ chứa thủy điện; có phương án dự trữ, điều động hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu nhân dân.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không..; phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải hoạt động trong vùng bị ảnh hưởng lũ, ngập lụt, sạt lở đất…; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông trên các trục chính.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, triều cường, thời tiết nguy hiểm trên biển… tổ chức dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó nhanh chóng, hiệu quả.

Các cơ quan, đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt để chủ động triển khai thực hiện việc đưa dần mực nước hồ về cao trình đón lũ, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho vùng hạ du, hạn chế thấp nhất ngập lụt và thiệt hại do xả lũ gây ra; rà soát, kiểm tra việc cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan, đơn vị và các địa phương liên quan theo đúng quy định.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Yên và các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng cập nhật, đưa tin kịp thời về diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt và các văn bản, công điện chỉ đạo ứng phó của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đến các cơ quan, đơn vị và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh chủ quan, lơ là.

Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại đối với người, phương tiện, cơ sở vật chất thuộc phạm vi quản lý, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

 

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, từ nay (16/11) đến ngày 18/11, trên các sông ở Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ, trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ3 và còn tiếp tục có mưa to đến rất to (dự báo trong 24-48 giờ tới lượng mưa từ 70- 130mm, có nơi trên 150mm); trong bối cảnh những ngày qua đã liên tiếp có mưa lớn kéo dài, hầu hết các hồ chứa cơ bản đã đầy nước, đất bão hòa nước nên nguy cơ cao tiếp tục xảy ra ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt là sạt lở đất, lũ quét tại khu vực miền núi, sườn dốc; ngoài ra, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau và khu vực giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 3,0-6,0m, biển động mạnh; khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động.

 

Thủy Loan

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: