Thủ tướng chính phủ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên có đồng chí Lê Tấn Hổ - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh; các thành viên của Ban chỉ đạo và các đơn vị liên quan. Hội nghị cũng được kết nối với các huyện, thị xã, thành phố ven biển trên địa bàn tỉnh.
Sau gần 7 năm (kể từ ngày 23/10/2017) thực hiện chống khai thác IUU, gỡ cảnh bảo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 22/4/2024 của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU; qua 4 đợt thanh tra của EC đến nay tình hình chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả về: Hoàn thiện khung pháp lý; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cả Quốc gia, kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định các Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU được tăng cường hơn trước... EC đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp Trung ương. Tuy nhiên, khâu chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến một số nhiệm vụ chuyển biến còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023.
Đối với tỉnh Phú Yên, hiện có 2.847 tàu cá, trong đó 1.967 tàu cá đã được đăng ký trên hệ thống dữ liệu tàu cá quốc gia - Vnfishbase; số tàu cá còn lại đang thực hiện rà soát, triển khai hướng dẫn, quy trình kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, giấy chứng nhận đăng ký theo quy định; 660/664 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,40%. Trong 8 tháng đầu năm 2024, đã xử phạt vi phạm hành chính 38 trường hợp với tổng số tiền xử phạt hơn 370 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, không còn tàu cá của tỉnh Phú Yên vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Mặc dù đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU nhưng vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, trong đó chủ yếu khó khăn chung về nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao, còn một số chủ tàu cá cố tình trốn tránh việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, nhất là nhóm tàu có chiều dài từ 6 mét đến dưới 12 mét; thiết bị giám sát hành trình mất kết nối do nhiều nguyên nhân, rất khó xác định xử phạt hay không xử phạt…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Yên
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, nêu lên những kết quả đạt được, làm rõ những nội dung tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và nhận định về tình hình nhằm chuẩn bị làm việc với đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5 vào tháng 10/2024. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp về chống khai thác IUU.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý thực thi pháp luật để xảy ra vi phạm.
Để tháo gỡ được “thẻ vàng” sau khi đoàn Thanh tra của EC làm việc lần thứ 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ. Các ban, bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, triển khai cao điểm, huy động nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tăng cường lực lượng công an, biên phòng phối hợp với chính quyền cơ sở tại các địa bàn trọng điểm vừa tuyên truyền vận động, vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có liên quan không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ; bao che, dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU, để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra vào cảng, xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử để đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần chuẩn bị kỹ chương trình, kế hoạch, nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5, nỗ lực quyết tâm gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu âu (EC).
Sau khi kết thúc hội nghị, tại điểm cầu Phú Yên, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh tập trung triển khai thực hiện theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, thành lập Tổ công tác liên ngành theo dõi, phát hiện, tiếp nhận và xác minh thông tin, xử lý và cập nhật kết quả xử lý các tàu cá vi phạm quy định pháp luật VMS; các địa phương chỉ đạo các xã, phường thành lập Tổ công tác hỗ trợ các chủ tàu cá chưa đăng ký, tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, hết hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật thực hiện các hồ sơ, thủ tục đảm bảo hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản; quản lý chặt chẽ đối với tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản.
Trưởng Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh nhấn mạnh: Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, khắc phục các tồn tại, hạn chế, từng bước nâng cao tinh thần, trách nhiệm, ý thức về nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, góp sức cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC trong năm 2024.
Mỹ Luận