Đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn quả
Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có đất đai thổ nhưỡng đa dạng nên có nhiều vùng tiểu vùng sinh thái khác nhau, thích hợp với nhiều loại cây trồng nhiệt đớt như lúa, sắn mì, mía, rau đậu các loại và hơn 7.000 ha cây ăn quả (các loại: Sầu riêng, bơ, mít, xoài, nhãn, mãng cầu, cam, quýt, bưởi da xanh, chanh dây, dứa, chuối, dừa,...); còn lại diện tích các cây trồng khác như cao su, hồ tiêu, cà phê, ngô,…
Hiện nay, diện tích cây ăn quả chiếm đa số khoảng hơn 6.000 ha với các loại như: dừa (tập trung ở Sông Cầu); chuối (trồng phân tán khắp các vùng, xung quanh vườn nhà) và dưa hấu (các huyện Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân, Phú Hoà). Trong đó, diện tích cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao chiếm khoảng 1.000 ha như: sầu riêng (monthon, Ri 6), mít (thái, mã lai), bơ (boot 7, 034), xoài (cát hoà lộc, thái xanh, úc), mãng cầu (na thái, na dai), cam (xoàn, v2), bưởi (da xanh, 5 roi), ổi (rubi, đài loan), vải (U hồng), nhãn (xuồng cơm vàng, hương chi), khóm,... và trồng tập trung tại các huyện có vùng đất đỏ Bazan màu mỡ như huyện Sông Hinh, Tây Hoà, Sơn Hoà, một số ở huyện Phú Hoà và Đồng Xuân.
Phú Yên định hướng đến năm 2025, quy mô sản xuất cây ăn quả khoảng 8 ngàn ha và đạt 10 ngàn ha vào năm 2030, với nhiều loại cây ăn quả chủ lực; đồng thời hình thành từng vùng trồng, từng loại cây ăn quả tập trung phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái để tạo khối lượng hàng hóa lớn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn đánh giá, Sơn La là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất cả nước, là một trong những tỉnh thực hiện thành công về trồng cây ăn quả. Đối với Phú Yên, hiện nay diện tích các loại cây ăn quả trồng phân tán, rải rác ở các huyện, diện tích từng loại còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa trở thành hàng hoá, trồng tự phát là chủ yếu; chỉ có một số hộ trồng có đầu tư tương đối tốt về giống, cơ giới hoá khâu tưới và kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu còn hạn chế; khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư; chủ yếu là tiêu thụ trong tỉnh.
Đồng chí Tạ Anh Tuấn cho biết, tỉnh Phú Yên đang triển khai Đề án xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.
Với kinh nghiệm của tỉnh Sơn La, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên mong muốn đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giúp tỉnh phát triển lĩnh vực này, xây dựng thành công chương trình phát triển cây ăn quả trong thời gian đến.
Đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất tham quan một số mô hình trồng cây ăn quả tại huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
Tại buổi làm việc, đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trên hành trình Sơn La đến với thành công trong ngành nông nghiệp như ngày hôm nay, nhất là về lĩnh vực cây ăn quả. Đến nay, tỉnh Sơn La đã có những thành công bước đầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tranh thủ thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả; trong đó là ghép mắt và đưa giống mới vào trồng. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã biết phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai; cách làm của Sơn La phù hợp với nhu cầu thị trường và xu hướng giảm sử dụng gạo và tăng sử dụng quả.
Đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho rằng, Phú Yên cần quan tâm vấn đề chọn cây trồng phải hợp lòng dân, trồng cây gì thì phải chăm lo để phát triển theo chuỗi và đặc biệt là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu tỉnh đề ra.
Mỹ Luận