Quang cảnh hội nghị
Hội nghị này nhằm phân tích kết quả các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính sau khi tỉnh Phú Yên liên tục ở nhóm các địa phương xếp trung bình thấp và thấp nhất cả nước.
Các đồng chí: Phạm Đại Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Cao Thị Hòa An - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Tạ Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Ban Đảng Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan.
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã được các cấp, các ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, so với yêu cầu đặt ra thì kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của tỉnh còn chậm.
Đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn trình bày Báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Theo báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) từ năm 2018 - 2022 luôn nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước và có 2 năm đứng cuối bảng xếp hạng (2018 và 2022). Qua phân tích chỉ số PAR Index nhận thấy hạn chế tập trung ở các lĩnh vực: xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và cải cách hành chính công. Yếu kém chủ yếu ở các Sở: Tài Nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; các địa phương gồm: thành phố Tuy Hòa, huyện Sơn Hòa, Sông Hinh và Tuy An.
Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy thảo luận tại hội nghị
Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém là do sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt, sâu sát; tính tiên phong, năng động của lãnh đạo các ngành, các cấp chưa cao; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương trong tham mưu chưa tốt, có việc còn đùn đẩy, né tránh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách ở cơ sở còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ Nhân dân; chưa ràng buộc trách nhiệm và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, phiền hà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho cải cách hành chính còn hạn chế.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo phát biểu thảo luận tại hội nghị
Năm 2023, tỉnh Phú Yên quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh với sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ban cán sự đảng UBND tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu các chỉ số PAR Index, PCI, PAPI, SIPAS xếp hạng trong nhóm 40 tỉnh, thành phố; đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố xếp thứ hạng cao trong cả nước.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế, yếu kém, qua đó đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp để cùng nhau quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về mục đích của việc cải thiện chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện các chỉ số trên là nhiệm vụ chung của toàn hệ thống chính trị tỉnh, đồng thời là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; phấn đấu cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index của tỉnh và nâng cao vị trí xếp hạng trong những năm tiếp theo.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, quyết liệt xử lý công chức vi phạm, gắn kết quả thực hiện cải cách hành chính với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thi đua, khen thưởng, quy hoạch, đề bạt cán bộ; chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Khuyến khích, phát huy tính năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương… trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao tính năng động, tiên phong, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đồng chí Phạm Đại Dương yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền triển khai đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030; xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém, tồn tại qua nhiều năm, nhất là trong các lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số thuộc Chỉ số cải cách hành chính PAR index của tỉnh.
Mỹ Luận