Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Phú Yên
Dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội gồm 5 chương, 73 điều, nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời khi triển khai Luật Nhà ở. Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có nhiều điểm mới như: Quy định về đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chủ đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đáng chú ý là quy định loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê…
Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực sẽ thay thế Nghị định 100/2015/NĐ-CP, ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, ngày 1-4-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu bộ ngành, các chuyên gia, các địa phương đã rà soát, thảo luận, góp ý về các vấn đề còn nhiều ý kiến trong dự thảo Nghị định. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị: Bộ Xây dựng rà soát chặt chẽ các quy định, các trình tự thủ tục, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Nghị định một cách nghiêm túc trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Cần có quy định rõ về tiêu chí, điều kiện, cũng như xem lại quy hoạch, quỹ đất cho nhà ở xã hội trong chính sách phát triển đô thị, nông thôn. Nhà ở xã hội là vấn đề ưu tiên của ưu tiên trong vấn đề nhà ở, cần được tính toán từ khâu quy hoạch cũng như cách xác định các đối tượng chính sách được sử dụng nhà ở xã hội.
Thủy Loan