Triển khai thực hiện Chỉ thị số
22-CT/TW ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày
23/11/2012 của Quốc hội, Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28/12/2012 của Ủy ban
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong các ngày từ 26/2 đến 6/3/2013, Ủy ban
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức một số Đoàn kiểm tra công tác tổ chức lấy
ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại một số địa phương.
Sau 2 tháng triển khai Nghị quyết
của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng,
các cơ quan, tổ chức, địa phương đã tập trung triển khai khẩn trương, đồng bộ,
rộng khắp, đúng tiến độ Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp đến toàn dân. Hầu hết các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thành lập Ban
chỉ đạo, ban hành kế hoạch và các văn bản triển khai việc lấy ý kiến nhân dân,
tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm để thảo luận, góp ý kiến về Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp. Nhiều nơi có cách làm mới, sáng tạo, có hiệu quả như phát
hành đĩa VCD, làm phóng sự, chuẩn bị nội dung cho báo cáo viên, in Bảng so sánh
giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phát hành xuống
từng Tổ dân phố, hộ gia đình…
Đến nay, nhiều cơ quan, tổ chức, địa
phương đã bước đầu tập hợp, tổng hợp sơ bộ ý kiến góp ý của nhân dân. Theo báo
cáo của các địa phương, nhân dân tin tưởng, phấn khởi, cơ bản đồng tình với Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố; đồng thời
có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết nếu được tiếp thu, “gạn đục, khơi trong” thì sẽ
có một bản Hiến pháp chất lượng, thể hiện được ý chí của nhân dân. Ở một vài
địa phương cũng đã phát hiện có một số cá nhân lợi dụng việc lấy ý kiến nhân
dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ
khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà
nước và chế độ ta.
Trong quá trình kiểm tra, các cơ
quan, tổ chức, địa phương cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong trong
việc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân, như làm thế nào để triển khai sâu,
rộng việc lấy ý kiến đến hộ dân cư và từng người dân ở thôn, làng, ấp, bản, tổ
dân phố, khu công nghiệp, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, chi
bộ, chi đoàn, tổ chức công đoàn cơ sở...; việc tuyên truyền, phổ biến về Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp; việc kiểm đếm số lượng ý kiến để bảo đảm tập hợp, tổng
hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến của nhân dân… Vì vậy, Ủy ban Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, địa phương
tập trung làm tốt một số việc sau đây:
1. Về công tác chỉ đạo:
Tiếp tục xác định việc lấy ý kiến
nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, cần được ưu tiên
thực hiện nhằm tạo sự nhất trí cao trong toàn xã hội. Với tinh thần đó, đề nghị
các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, địa phương tiếp tục
quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tham
gia đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Mỗi người có thể góp ý về toàn bộ nội dung Dự thảo hoặc từng chương, điều,
khoản cụ thể mà mình quan tâm.
2. Về công tác thông tin, tuyên
truyền:
Cần có nhiều tin, bài viết trên các
phương tiện thông tin đại chúng phân tích, làm rõ những nội dung của Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp với lập luận khoa học, thuyết phục, chặt chẽ; làm cho người
dân nắm vững, hiểu đúng nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, từ đó bày tỏ
quan điểm, chính kiến của mình. Đồng thời, cần kịp thời đấu tranh, ngăn chặn
việc lợi dụng góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm
sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng, Nhà nước và chế
độ ta.
3. Về công tác tổ chức lấy ý kiến:
Tiếp tục có nhiều hình thức phong
phú, thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân tham gia đóng
góp ý kiến.
Ở các địa phương, trong tháng 3/2013
cần in, gửi Bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992 kèm theo Bản thuyết minh và Phiếu xin ý kiến đến từng hộ gia đình để
từng người dân có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến. Trong phiếu xin ý kiến
ghi rõ: (1) ý kiến chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, (2) ý kiến đề nghị sửa
đổi, bổ sung về nội dung và kỹ thuật văn bản ở từng điều, khoản của dự thảo mà
người dân quan tâm. Tổ chức tập hợp đầy đủ những ý kiến này.
Ở các cơ quan, tổ chức cần triển
khai tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm của cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động; đối với các tổ chức đảng, đoàn thể, tổ chức lấy ý kiến ở chi bộ
đảng, chi đoàn thanh niên, các chi hội cơ sở, khu công nghiệp, trường đại học,
cao đẳng, trung học chuyên nghiệp... Cần mở rộng quy mô, thành phần tham dự các
hội nghị này; lựa chọn nội dung cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý
kiến để việc góp ý được tập trung, có chất lượng. Đồng thời, cần gửi Phiếu xin
ý kiến để từng đại biểu tham dự thể hiện chính kiến của mình. Phiếu xin ý kiến
nêu rõ: (1) ý kiến chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, (2) những nội dung cụ
thể của các chương, điều, khoản của Dự thảo để đại biểu thể hiện chính kiến tán
thành, đề nghị sửa đổi, bổ sung và ý kiến khác. Từng đại biểu tham dự hội thảo,
hội nghị, tọa đàm cần thể hiện chính kiến của mình đối với các nội dung của Dự
thảo. Việc xác định số lượng ý kiến góp ý tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm
không chỉ tính theo số lượng người phát biểu ý kiến mà phải tính theo số lượng
người dự họp.
Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến góp ý
của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải đầy đủ, trung thực, khách quan
cả ý kiến tán thành, ý kiến không tán thành, ý kiến khác theo Hướng dẫn số
239/HD-UBDTSĐHP ngày 23/02/2013 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và nhận
định chung ý kiến của đa số đại biểu.
4. Về thời gian lấy ý kiến nhân dân:
Trong quá trình kiểm tra công tác tổ
chức lấy ý kiến ở các địa phương và tổng hợp sơ bộ bước đầu ý kiến đóng góp của
nhân dân, có một số ý kiến đề nghị nên kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân.
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
nhận thấy, thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992 đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày
23/11/2012 là bắt đầu từ ngày 02/01/2013 đến hết ngày 31/3/2013. Kết quả việc
tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo thời hạn này sẽ được tập hợp, tổng hợp đầy đủ
và kịp thời tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5
(tháng 5/2013) và sẽ được tiếp tục chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông
qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).
Kể từ sau ngày 31/3/2013 cho đến
thời điểm 30/4/2013 và cho đến 30/9/2013 trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992 được trình Quốc hội thông qua, nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến
vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các cơ quan, tổ chức, địa phương có
trách nhiệm tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của nhân dân
và gửi về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến góp ý của nhân dân sẽ
được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
trình Quốc hội xem xét, quyết định./.