Cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị
Tin tức nổi bật
Cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị (12/05/2023)
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã được các cấp, các ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, so với yêu cầu đặt ra thì kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của tỉnh còn chậm.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Tuy Hòa.

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) là chỉ số có sự tham gia thẩm định của các bộ, ngành trung ương và khảo sát người dân, điều tra xã hội học đối với nhóm đại biểu HĐND cấp tỉnh, lãnh đạo cấp sở, cấp huyện và lãnh đạo cấp phòng chuyên môn thuộc sở. Đây cũng là chỉ số làm căn cứ xây dựng chỉ số đánh giá cải cách hành chính (CCHC) đối với cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

Bộ chỉ số CCHC cấp tỉnh gồm 8 lĩnh vực, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần tương đương 100 điểm, bao gồm các nội dung của chương trình tổng thể cải cách hành chính. Những hạn chế, yếu kém trong đánh giá chỉ số CCHC cũng là thực trạng công tác CCHC của tỉnh trong thời gian qua.

Năm 2022, Chỉ số PAR Index của tỉnh Phú Yên là 75,99%, thấp hơn 8,8% so với Chỉ số trung bình cả nước; thấp hơn 14,11% so với địa phương xếp đầu bảng xếp hạng (Quảng Ninh 90,1%); thấp hơn 5,42% so với Chỉ số PAR Index 2021; xếp trong nhóm C, vị thứ 63/63 (giảm 02 bậc so với năm 2021).

Trong 05 năm (2018-2022) Chỉ số PAR Index của tỉnh thấp khi luôn nằm trong nhóm 05 địa phương thấp nhất cả nước và có 02 năm đứng cuối bảng xếp hạng (năm 2018 và năm 2022).

Chỉ số CCHC trung bình năm 2022 của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện là 74,62%; khối sở, ban, ngành cao nhất là 85,70% (Ban Quản lý Khu kinh tế), thấp nhất là 48.65% (Sở Tài nguyên và Môi trường); khối huyện cao nhất là 79.63% (UBND huyện Tây Hòa), thấp nhất là là 64.08% (UBND huyện Tuy An).

Qua phân tích chỉ số CCHC của tỉnh cũng như chỉ số CCHC của các sở, ngành, địa phương cho thấy, các hạn chế yếu kém tập trung nhiều ở các lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và cải cách tài chính công và tập trung chủ yếu ở các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; các địa phương: UBND thành phố Tuy Hòa, UBND huyện Sơn Hòa, UBND huyện Sông Hinh và UBND huyện Tuy An.

Chỉ số PAR Index tồn tại với 4 nhóm vấn đề

Theo nhận định báo cáo PAR index, địa phương có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì ở nơi đó công tác CCHC có chuyển biến rõ rệt. Các tiêu chí được đưa ra đánh giá vai trò trách nhiệm cũng như tinh thần quyết tâm cải cách của lãnh đạo chính quyền địa phương. Người đứng đầu chưa xác định được trách nhiệm đối với những khuyết điểm, yếu kém trong công tác CCHC của tỉnh; chưa chủ động đôn đốc, chấn chỉnh, chỉ đạo tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém cho cơ quan, địa phương mình dẫn đến những yếu kém kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và môi trường đầu tư kinh doanh.

Những năm qua, mặc dù Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện công tác CCHC trên toàn tỉnh nhưng kết quả thực hiện chưa hiệu quả.

Nguyên nhân của tình trạng Chỉ số PAR Index của tỉnh Phú Yên không được cải thiện được chỉ rõ với 4 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, năng lực chuyên môn, thái độ, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Qua kết quả khảo sát chỉ số PAPI và PCI, tình trạng nhũng nhiễu; người dân, doanh nghiệp phải chi trả “chi phí không chính thức”, “tiền lót tay” còn khá phổ biến.

Thứ hai, việc giải quyết các thủ tục hành chính là yếu kém nổi bật thể hiện ở tất cả các chỉ số: tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn còn quá cao so với yêu cầu là dưới 5% (khối Sở, Ban, Ngành là 16,14%; cấp huyện là 10,76%; cấp xã là 1,6%); xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính không kịp thời; mức độ hài lòng của người đi làm thủ tục hành chính chưa cao, phải đi lại nhiều lần.

Thứ ba, hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm dùng chung của tỉnh Phú Yên chưa đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng phục vụ công tác cải cách hành chính như: kho lưu trữ điện tử; hệ thống số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Cổng dịch vụ công của tỉnh đến nay chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định.

Thứ tư, Phú Yên còn nhiều hạn chế trong cải cách tài chính công như thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước thấp (năm 2022, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 64%); việc đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm.

Các cơ quan, đơn vị thể hiện tinh thần quyết tâm trong Chương trình phối hợp tuyên truyền và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC trên môi trường điện tử

Tập trung khắc phục yếu kém, tạo chuyển biến trong cải cách hành chính

Năm 2023, tỉnh Phú Yên quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh với sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu các chỉ số PAR Index, PCI, PAPI, SIPAS xếp hạng trong nhóm 40 tỉnh, thành phố; đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố xếp thứ hạng cao trong cả nước.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên sẽ ban hành Chỉ thị về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính, tạo sự đồng thuận và tham gia của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước” với yêu cầu thực hiện cải cách hành chính toàn diện ở tất cả các cơ quan khối Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giám sát và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, không trung thực và gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Đối với cán bộ lãnh đạo thuộc Ban Thường vụ quản lý nếu không có giải pháp khắc phục yếu kém và chuyển biến trong cải cách hành chính thì phải xem xét trách nhiệm cá nhân và chuyển đổi vị trí công tác khác.

Các Sở, ngành và địa phương xếp hạng cải cách hành chính ở mức độ yếu và trung bình phải xây dựng kế hoạch khắc phục; nâng hạng các chỉ số PAR Index trong năm 2023 tối thiểu lên loại Khá.

Tỉnh Phú Yên thực hiện nhóm giải pháp đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Trong tháng 5/2023, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trước mắt để khắc phục hạn chế, đáp ứng yêu cầu khai thác sử dụng kho lưu trữ điện tử; hệ thống số hóa kết quả thủ tục hành chính; hệ thống quản lý văn bản điều hành

Mỹ Luận

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: