Phát triển du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo; Nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ. Hình thành cơ bản cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, phát triển nhanh loại hình du lịch biển đảo; hình thành các tour du lịch chuyên đề: Tham quan, nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa, lễ hội; du lịch khám phá, mạo hiểm… gắn với việc phục vụ khách tốt nhất, để từng bước hình thành những điểm du lịch văn minh, lịch sự, an toàn; sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mang đậm bản sắc Phú Yên; Phấn đấu đến năm 2020, được công nhận 01 khu du lịch quốc gia tại khu vực vịnh Xuân Đài - đầm Cù Mông - bãi biển Từ Nham - gành Đá Đĩa và một số khu du lịch địa phương, điểm du lịch quốc gia; hình thành một số khu du lịch cao cấp; đến năm 2020 GDP du lịch chiếm 7,2% GDP toàn tỉnh.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể như: năm 2015 đón 800.000 - 900.000 lượt khách lưu trú (trong đó 90.000 - 100.000 lượt khách quốc tế và 800.000 lượt khách nội địa); Năm 2020 đón 1.800.000 - 1.850.000 lượt khách (trong đó có 280.000 - 300.000 lượt khách quốc tế và 1.550.000 lượt khách nội địa). Năm 2015 thu nhập du lịch đạt khoảng 81,01 triệu USD; đưa tổng giá trị GDP du lịch năm 2015 đạt 51 triệu USD (chiếm 5,7% GDP toàn tỉnh); năm 2020 đạt 220,2 triệu USD, GDP du lịch đạt 132,1 triệu USD (chiếm 7,2% GDP toàn tỉnh).
Từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo đến năm 2015 có khoảng 4.200 buồng lưu trú, trong đó có 1.500 buồng đủ tiêu chuẩn xếp hạng sao; năm 2020 khoảng 8.500 buồng, trong đó 3.000 buồng đủ tiêu chuẩn xếp hạng sao. Tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo có khoảng 18.300 lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó có 6.100 lao động trực tiếp); năm 2020 có 36.600 lao động (trong đó có 12.200 lao động trực tiếp)…
Để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ, Quy hoạch đề ra các giải pháp: tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho đầu tư du lịch; khuyến khích đầu tư vào các khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo tồn tự nhiên và văn hoá, hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước, sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch.
Nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đủ mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng về phát triển du lịch; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân trong qua trình phát triển du lịch.
Khuyến khích các dự án đầu tư phát triển du lịch trực tiếp nước ngoài, các dự án phát triển hạ tầng nông thôn. Hỗ trợ kinh phí ngân sách phát triển hạ tầng các khu, điểm du lịch, ưu tiên vùng có hoàn cảnh đặc biệt, vùng miền núi và vùng các dân tộc thiểu số. Khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn và có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên.
Tăng cường phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, trong đó đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hệ thông giao thông đến các khu, điểm du lịch; nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng nhu cầu khách du lịch…
Quốc Vũ
(Nguồn QĐ 128/QĐ-UBND ngày 19/1/2012)