Định hướng phát triển các ngành đến năm 2020
Phát triển Công nghiệp – TTCN với tốc độ cao để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2020: 16%/năm. Tập trung phát triển các ngành chủ lực có lợi thế như: chế biến nông lâm sản, năng lượng, khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng… Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biện pháp canh tác phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2020: 6,8%/năm. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển, đa dạng hóa các loại hình thương mại - dịch vụ và mở rộng mạng lưới giao dịch; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2020: 23,2%/năm. Mỗi năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 1.100 - 1.200 lao động (gồm cả lao động mới và lao động chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp); triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nâng cao mức sống các hộ đã thoát nghèo, hạn chế tái nghèo, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà con làm kinh tế.
Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh đầu tư nâng cấp quốc lộ 25; kiến nghị tỉnh đầu tư cải tạo, mở rộng các tuyến đường tỉnh qua địa bàn Sơn Hòa: ĐT643, ĐT646, ĐT650, ĐT642 nâng cao hiệu quả trục miền Tây; đầu tư tuyến giao thông liên xã Xuân Phước - Kỳ Lộ - Phú Hải; kiến nghị đầu tư kéo dài tuyến ĐT646 từ xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), nối đến xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Tiếp tục đầu tư củng cố mạng lưới giao thông nội vùng, đảm bảo đến năm 2020; 100% đường nội thị, huyện lộ được nhựa hoá và xã lộ được bê tông hóa.
Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi: trạm bơm Buôn Thu, hồ chứa nước Hóc Bò Túi, Mạch Dứa, Tân Hiên, Tổng Binh, Hố Duối, Suối Vực, Suối Gấu, hồ Đồng Cầu... đảm bảo đến năm 2020 có 65 - 70% diện tích cây trồng hàng năm được tưới.
Đầu tư phát triển thị trấn Củng Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2015 và trở thành cấp thị xã trước năm 2020, là trung tâm động lực phát triển vùng miền núi tỉnh Phú Yên; đồng thời, đầu tư phát triển xã Sơn Long đạt tiêu chí đô thị loại V vào sau năm 2015 và trở thành cấp thị trấn huyện lỵ vào trước năm 2020; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, hình thành các cơ sở công nghiệp chế biến; xây dựng cơ cấu kinh tế vùng đến năm 2020 là dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp.
Đến năm 2030, phát triển Củng Sơn thành đô thị loại IV - cấp thị xã
Sơn Hòa phấn đấu đến năm 2030, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển Củng Sơn thành đô thị loại IV - cấp thị xã, có bản sắc đặc trưng đô thị “phố núi”, mang vai trò trung tâm động lực phát triển vùng miền núi; xây dựng huyện Sơn Hòa (hiện tại) ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, cửa ngõ giao thương phía Tây của tỉnh Phú Yên.
Cụ thể, VA/người của Sơn Hòa vào năm 2030 xấp xỉ so với bình quân cả tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ trước năm 2020 sang cơ cấu: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, đến năm 2030, tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp chiếm trên 80% tổng giá trị gia tăng. Duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đưa công nghiệp Sơn Hòa trở thành cực phát triển khu vực phía Tây của tỉnh; nghiên cứu xây dựng khu công nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng gắn các trục giao thông: trục miền Tây, các quốc lộ, trục Đông Trường Sơn, quy mô 1.000 - 2.000ha. Đa dạng hóa các hoạt động thương mại, phát triển các loại hình dịch vụ có giá trị tăng cao, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nhân văn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế lâm nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa hướng tới một nền nông nghiệp sạch, toàn diện. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, gia tăng phúc lợi, an sinh xã hội; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp thu những giá trị văn hóa mới, tiến bộ. Tiếp tục đầu tư chiều sâu kết cấu hạ tầng đáp ứng tốt nhu cầu phát triển. Tăng cường công tác bảo vệ và trồng rừng, tăng độ che phủ của rừng; ngăn chặn tình tranh ô nhiễm môi trường ở các đô thị, xây dựng nếp sống vệ sinh ở nông thôn; đảm bảo quốc phòng - an ninh…
Quốc Vũ