Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
Tin tức nổi bật
Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (28/03/2013)
Ngày 27/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đồng chủ trì Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

 

Quang cảnh Hội nghị - Ảnh dangcongsan.vn

25 năm qua, đầu tư nước ngoài là giải pháp hữu hiệu góp phần đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn của tình trạng bị bao vây, cấm vận; khẳng định xu thế mở cửa và quan điểm “Việt Nam muốn là bạn của các nước trong cộng đồng thế giới”. Trong các giai đoạn tiếp theo, đầu tư nước ngoài là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, khai thông thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đóng góp ngân sách nhà nước, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo thêm việc làm.

Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đầu tư nước ngoài cũng đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cho quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Theo Báo cáo tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày, tính đến tháng 8/2012 cả nước có 14.095 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 206,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân được 97,4 tỷ USD (chiếm 47% vốn đăng ký). Qua đó, đầu tư nước ngoài đã có tác động mạnh đối với tăng trưởng kinh tế, thể hiện rõ hơn qua các hoạt động như: bổ sung cho tổng vốn đầu tư xã hội; góp phần quan trọng vào xuất khẩu; đóng góp vào nguồn thu ngân sách; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động; là kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế…

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là, hiệu quả tổng thể nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa cao. Trong công nghiệp – xây dựng, các dự án đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; có quá ít dự án về cơ sở hạ tầng; tỷ trọng dự án trong nông - lâm - ngư nghiệp rất thấp và có xu hướng giảm dần trong khi đây là những ngành Việt Nam có thế mạnh. Đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm gây mất cân đối vùng miền… Mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao và công nghệ nguồn), chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng. Trên 80% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5-6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu, cá biệt có trường hợp sử dụng công nghệ lạc hậu. Số lượng việc làm tạo ra chưa tương xứng, đời sống người lao động chưa cao, tranh chấp và đình công có xu hướng gia tăng. Hiệu ứng lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế, có dấu hiệu chèn lấn. Một số dự án được cấp phép nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, chưa chú ý đầy đủ tới an ninh quốc phòng. Có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế. Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi như nâng khống giá trị góp  vốn (bằng máy móc, thiết bị, bản quyền…), giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý, tiền bản quyền, chi phí bảo lãnh, cho vay, trả lương, đào tạo, quảng cáo, nhà thầu, chuyển nhượng vốn… tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, doanh nghiệp trở thành 100% vốn nước ngoài.

Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để phát huy hơn nữa vai trò tích cực, đồng thời khắc phục những hạn chế của đầu tư nước ngoài, trên cơ sở những định hướng cho giai đoạn mới, thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp: Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư để xử lý các bất cập về sự không thống nhất giữa Luật Đầu tư và pháp luật về đầu tư, cũng như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Sửa đổi một cách căn bản chính sách ưu đãi và cơ quan xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng: Trong thời gian trước mắt, sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2020, đồng thời đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Về dài hạn, cần thay đổi một cách căn bản việc xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý đầu tư nước ngoài theo hướng phát huy quyền chủ động của địa phương, đồng thời đảm bảo tập trung thống nhất, hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, đặc biệt là đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và của Thủ tướng Chính phủ; dự án có tầm ảnh hưởng lan tỏa vùng; dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên; dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo cơ chế thỏa thuận…

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tăng cường thống nhất điều phối các hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài; nội dung xúc tiến đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc xúc tiến đầu tư theo vùng và liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, chuyên đề theo lĩnh vực chuyên sâu; bố trí kinh phí đủ mức để tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống trang web về đầu tư nước ngoài. Đánh giá hoạt động của các đại diện xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua để kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Tập trung hỗ trợ dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai hoạt động thuận lợi và có hiệu quả nhằm thông qua các nhà đầu tư này để quảng bá hình ảnh về môi trường đầu tư Việt Nam.

Hoàn thiện nội dung và quy trình cấp giấy chứng nhận nhà đầu tư. Bổ sung nội dung thẩm tra dự án (thẩm tra theo quy hoạch ngành, thẩm tra năng năng lực tài chính và kinh nghiệm đối với dự án có quy mô lớn, tác động xã hội; thẩm tra về công nghệ, môi trường, loại đất và quy mô sử dụng đất). Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch ngành/lĩnh vực, công bố công khai các quy hoạch theo vùng và địa phương, ban hành các tiêu chí đối với một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là đối với các ngành nằm trong cam kết WTO; công bố các điều kiện đầu tư trong từng ngành…

Xem xét điều chỉnh các rào cản đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có nhu cầu, đồng thời xây dựng rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để lựa chọn dự án.

Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư và quản lý sau cấp phép. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, được nối mạng với cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tập trung hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đầu tư mới chưa thể tăng nhanh thì cần tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án đã được cấp phép đi vào sản xuất kinh doanh, tăng vốn giải ngân và mở rộng sản xuất. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đầy đủ chức năng hậu kiểm theo chức năng, đặc biệt lưu ý đến các vấn đề chuyển giá, môi trường, gian lận đầu tư...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh chinhphu.vn

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sau 25 năm, đầu tư nước ngoài đã đóng góp vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của 25 năm là 7%. Với sự ổn định về kinh tế - xã hội, Việt Nam là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư. Tính đến tháng 2/2013, đã có 14.550 dự án đầu tư nước ngoài, với 211 tỷ USD vốn đăng ký, và vốn thực hiện gần 100 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài đã đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP từ 19 - 20%; 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động trực tiếp và từ 3-4 triệu lao động gián tiếp.

Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư nước ngoài đã trở thành cấu phần quan trọng trong cơ cấu các thành phần kinh tế. Đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng GDP của quý I/2013 cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong đầu tư nước ngoài, đó là: Tỷ trọng đầu tư nước ngoài mất cân đối, nhất là trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Giải ngân vốn FDI còn chậm, chỉ đạt chưa đến 50%. Hiệu quả đầu tư tổng hợp chưa cao và hàm lượng đầu tư vào công nghệ cao chiếm tỷ lệ thấp cũng như đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ chưa nhiều.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện các văn bản về đầu tư nước ngoài theo hướng cạnh tranh cao hơn so với các nước trong khu vực. Các ngành, địa phương cần rà soát, bổ sung các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án thực hiện theo hình thức công - tư (PPP). Bổ sung tiêu chí công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; công nghiệp hỗ trợ. Rà soát, bổ sung thể chế, chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính. Đẩy mạnh việc ban hành các văn bản về yêu cầu bảo vệ môi trường. Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài phối hợp với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tập trung quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, cần công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê  duyệt để các nhà đầu tư có thêm thông tin để có những quyết định đầu tư mới.

Hoạt động xúc tiến đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm. Tránh đưa ra các chính sách ưu đãi không phù hợp, khắc phục tình trạng cạnh tranh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế phân cấp theo hướng phát huy tính tích cực của từng địa phương cũng như có sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương để các dự án đầu tư nước ngoài phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia, cũng như của từng địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại các văn bản, cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, hiệu quả hơn…

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới./.

 

Theo dangcongsan.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: