Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011
Tin tức nổi bật
Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 (13/05/2011)
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lụt, bão gây ra, góp phần ổn định đời sống nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011.
Chỉ thị yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát bổ sung, hoàn thiện phương án phòng, tránh lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 sát với tình hình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình và có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão - Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, các đơn vị đủ năng lực. Phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Nâng cao trách nhiệm chỉ huy, kiểm tra của Ban chỉ huy, của từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất đồng thời phải có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để chủ động phòng, tránh và kịp thời đối phó, xử lý trong mọi tình huống. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh. Tổ chức kiểm tra, đánh giá các công trình như: Hồ chứa nước, đê, đập, kè, cống, kênh mương, cầu, đường, cảng, luồng lạch, bến bãi, trường học, các cơ sở khám chữa bệnh, kho tàng, nhà máy, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc, truyền hình, phát thanh, và các thiết bị vận hành khác… để sớm xử lý, gia cố đảm bảo an toàn cho công trình; xây dựng các phương án vận hành, bảo vệ công trình trong mùa lụt, bão. Những công trình đang thi công phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước lũ, bão để đảm bảo an toàn công trình.

Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ cụ thể các ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ của mình, có kế hoạch phối hợp phòng, tránh khắc phục thiên tai. UBND tỉnh lưu ý Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, Công ty CP Thủy điện sông Ba Hạ, Công ty CP Sông Ba, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ điều tiết đảm bảo nước cho hạ du trong mùa khô, xả lũ hợp lý trong mùa mưa, thực hiện cảnh báo kịp thời đến từng hộ dân biết để chủ động phòng, tránh, đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế ngập lụt cho hạ du. Thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền đánh bắt hải sản theo phân cấp, bố trí và hướng dẫn neo đậu tàu thuyền an toàn trong mùa lụt, bão. Kiểm tra chặt chẽ phương tiện đảm bảo an toàn trên các tàu thuyền, nhất là thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh trước khi ra biển; chủ động nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân của địa phương còn hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới để hướng dẫn di chuyển, tránh trú bão an toàn.

Các lực lượng quân đội, công an chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng cứu các tình huống khẩn cấp về lụt, bão; cứu hộ đê, đập khi có sự cố; tham gia tìm kiếm cứu nạn; giúp đỡ các địa phương sơ tán dân vùng thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai, lụt, bão gây ra.

Sở Thông tin và Truyền thông bảo đảm mạng thông tin phục vụ phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn thông suốt trong mọi tình huống. Các phương tiện thông tin đại chúng phối hợp với Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn, cơ quan Khí tượng Thủy văn, các cơ quan liên quan đưa tin chính xác, kịp thời tình hình diễn biến của thiên tai, lụt, bão và chỉ đạo của các cấp để các cơ quan, đơn vị và nhân dân chủ động phòng tránh. Sở Giao thông vận tải phối hợp các địa phương có phương án đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão. Sở Công Thương có kế hoạch chuẩn bị dự trữ các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho nhân dân, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị cô lập khi có lũ lụt xảy ra….

UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão trên địa bàn, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi định cư mới an toàn; trường hợp chưa tổ chức tái định cư lâu dài được, phải xây dựng phương án (bố trí cụ thể lực lượng, phương tiện, vị trí) sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết. Kiểm tra lại lực lượng, phương tiên, vật tư, kinh phí, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm đến từng thôn, xã, đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ; chủ động bố trí thiết bị, phương tiện, vật tư và kinh phí dự phòng để phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc để phòng, tránh lụt, bão, triều cường ở các vùng trọng điểm, xung yếu, vùng có khả năng bị ngập sâu, các công trình trên địa bàn.

Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, tránh và tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, lụt, bão trong phạm vi, chức trách đơn vị mình. Đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia việc phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn theo điều động của Chủ tịch UBND Tỉnh và Trưởng Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

 

Quốc Vũ

(Nguồn CT 13/CT-UBND ngày 13.5.2011)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: