Chủ động phòng tránh có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra
Tin tức nổi bật
Chủ động phòng tránh có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra (03/05/2012)
Tại thông báo kết luận của Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011và phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Trúc đồng thời là Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCLB&TKCN) yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, tích cực, chủ động và cùng cộng đồng phòng tránh có hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cũng như công tác khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất.

Cùng với đó, các cấp chính quyền địa phương phải rà soát kỹ, có kế hoạch, phương án cụ thể, thu thập số liệu các vùng thường xuyên bị ngập lụt xảy ra, thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ; phải có phương án sơ tán, hậu cần, phân công người phụ trách, chịu trách nhiệm khi lụt bão xảy ra đến từng thôn, xóm… Tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn phòng tránh ở những điểm xung yếu. Kiện toàn Ban chỉ huy PCLB&TKCN các cấp, tổ chức con người, phân công nhiệm vụ cụ thể, bố trí lực lượng thanh niên xung kích, chuẩn bị tàu thuyền phương tiện cứu hộ cứu nạn, cứu thương, giao thông vận tải, cung cấp kịp thời lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết.

Tăng cường công tác quan trắc dự tính, dự báo để giảm nhẹ thiên tai. Các đơn vị quản lý hồ chứa phải lập phương án an toàn hồ đập, tham gia có hiệu quả trong việc điều tiết lũ lụt góp phần đảm bảo an toàn cho hạ du… vận hành theo đúng quy định; có kế hoạch thông báo việc xả lũ sớm để người dân chủ động phòng tránh. Cần phối hợp với các đơn vị có chức năng triển khai xây dựng các Trạm quan trắc Thủy văn đã có thủ tục đầu tư. Sở Công Thương chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ công tác xả lũ của các hồ chứa thủy điện.

Các ngành Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Điện lực, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường… cùng các địa phương kiểm tra, rà soát lại các khu vực, các điểm dân cư thường xuyên bị ngập lụt, triều cường, sạt lở đất để có kế hoạch quy hoạch khu tái định cư, làm đường tránh lũ, có phương án đề xuất. Các vùng thường xuyên bị sạt lở bờ sông, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá và báo cáo để có kế hoạch sơ tán, đồng thời địa phương phải thông báo, nghiêm cấm và kiên quyết không cho người dân làm láng trại, chuồng nhốt gia súc, trồng cây ăn quả lâu năm, tre, dứa… trên cồn cát giữa lòng sông.

Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, các địa phương phải tổ chức đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền, kiểm tra trang thiết bị của tàu thuyền, tham gia bảo hiểm đúng quy định; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của ngư dân trong phòng tránh bão, khai báo vị trí và kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền cũng như sớm di chuyển khỏi những nơi nguy hiểm nhất để có thể phòng tránh bão và thông tin cứu hộ cứu nạn kịp thời, có hiệu quả nhất, vận động ngư dân hoạt động theo Tổ, Đội sẵn sàng hỗ trợ trong sản xuất cũng như khi gặp nạn…

 

Quốc Vũ

(Nguồn TB số 280/TB-UBND ngày 02/5/2012)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: