Quy hoạch các vùng chăn nuôi và khu vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Tin tức nổi bật
Quy hoạch các vùng chăn nuôi và khu vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên (24/11/2011)
Chủ tịch UBND tỉnh vừa quyết định phê duyệt Quy hoạch các vùng chăn nuôi và các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, được giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên làm chủ đầu tư.
Mục tiêu của quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu, phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới. Phát huy lợi thế của từng tiểu vùng, nguồn lực và kết quả, kinh nghiệm nuôi của từng trang trại, nhu cầu thực tế của thị trường, khuyến khích phát triển chăn nuôi đa dạng hóa các loại vật nuôi. Chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ sang nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc dưới tán rừng, phát triển kinh tế rừng.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp từ 23,2% hiện nay lên 28% vào năm 2015 và 32% vào năm 2020. Phát triển đàn gia súc, gia cầm với tốc độ tăng bình quân hàng năm từ 5-6%. Tăng tỷ lệ chăn nuôi tập trung đàn lợn năm 2015 đạt 20% và năm 2020 đạt 50%; đàn bò năm 2015 đạt 20% và năm 2020 đạt 50%; đàn gia cầm năm 2015 đạt 40% và năm 2020 đạt 65%. Đảm bảo cung cấp nhu cầu thịt cho dân cư trong tỉnh với sản lượng giết mổ tập trung bình quân hàng ngày khoảng 1.500 gia súc và trên 30.000 gia cầm vào năm 2015; trên 2.000 gia súc và 70.000 gia cầm vào năm 2020.

Quy hoạch 87 vùng chăn nuôi tập trung thuộc 60 xã trên địa bàn 09 huyện, thị xã, thành phố, với diện tích đất quy hoạch là 4.249 ha. Quy hoạch xây dựng 41 khu giết mổ tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Đến năm 2015, mỗi huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng ít nhất từ 01 đến 02 khu giết mổ tập trung, tiến tới xây dựng từ 2 đến 3 khu giết mổ bán công nghiệp và công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2020.

Tổng vốn đầu tư cho phát triển chăn nuôi tập trung và giết mổ tập trung đến năm 2020 ước tính khoảng 458.900 triệu đồng, với hình thức đầu tư trực tiếp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được huy động từ nhiều nguồn, trong đó: vốn ngân sách tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trại giống, nâng cấp phòng chẩn đoán xét nghiệm, củng cố hệ thống thú y, khuyến nông và hỗ trợ lãi suất vốn tín dụng mua bò giống, xây dựng đồng cỏ, làm chuồng trại,… Vốn tín dụng thông qua các chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, các chương trình và dự án phát triển chăn nuôi,… cho người chăn nuôi vay với lãi suất ưu đãi để mua giống, trang thiết bị, xây dựng đồng cỏ, chuồng trại,…

 

Quốc Vũ

(Nguồn QĐ 1936/QĐ-UBND ngày 22/11/2011)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: