Triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và cúm A(H5N1) ở người
Tin tức nổi bật
Triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và cúm A(H5N1) ở người (23/02/2012)
Chủ tịch UBND tỉnh vừa có chỉ thị yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và cúm A(H5N1) ở người.
Theo đó, đối với công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, thực hiện phát quang cây, cỏ xung quanh chuồng nuôi, phát dọn thu gom phân, rác, khơi thông cống rãnh; tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.

Tại các hộ chăn nuôi hộ gia đình, thực hiện quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm; thu gom phân, rác; Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.

Đối với cơ sở ấp trứng gia cầm, phát quang cây, cỏ xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp trứng, thu gom tiêu hủy vỏ trứng; Phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra, vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng và gia cầm.

Đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, toàn bộ khu vực nuôi nhốt phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca sản xuất; phát quang cây, cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh.

Tại chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống, quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán gia súc, gia cầm và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ; các phương tiện vận chuyển, lồng nhốt động vật phải được phun hóa chất khử trùng khi vào, ra khỏi chợ; vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, sát trùng những quầy bán thịt, sản phẩm gia súc, gia cầm cuối mỗi buổi chợ.

Sở Y tế chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A(H5N1) ở người, kịp thời cấp cứu, tích cực điều trị, hạn chế thấp nhất tính mạng và sức khỏe người dân; Thực hiện nghiêm các hướng dẫn chuyên môn của Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế về phòng, chống cúm A(H5N1) ở người,…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, các đoàn thể quần chúng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm, cúm A(H5N1) ở người; đồng thời tổ chức vận động việc thực hiện không giết mổ, vận chuyển gia cầm bệnh chết và đặc biệt không sử dụng gia cầm bệnh chết để làm thực phẩm,…

Được biết từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước có 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có dịch cúm gia cầm, trong đó 08 tỉnh là: Quảng Trị, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Ngoài ra một số địa phương có hiện tượng gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm. Đối với bệnh LMLM và bệnh lợn tai xanh tuy đã được kiểm soát nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát dịch. Bộ Y tế đã ghi nhận 02 bệnh nhân tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng.

 

Quốc Vũ

(Nguồn Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 21/2/2012)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: