Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp thi đua cụ thể sát thực với đặc điểm tình hình của đơn vị mình. Thực hiện việc đăng ký thi đua, ký giao ước thi đua giữa các khối, cụm, đăng ký thi đua của mỗi cá nhân, nhằm tạo động lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2012. Ngoài thi đua thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, cần chú trọng đến phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác; nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm; thực hành tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng; thi đua xây dựng các công trình đảm bảo tiến độ, thời gian, chất lượng; thi đua trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải tiến lề lối làm việc; thi đua trong bảo vệ quốc phòng - an ninh,…
Chỉ thị cũng nêu rõ, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thi đua, khen thưởng, kiên quyết chống mọi biểu hiện phô trương, hình thức và bệnh thành tích trong thi đua khen thưởng, đảm bảo khen thưởng đúng người, đúng thành tích. Quan tâm khen thưởng nhiều hơn đến người lao động trực tiếp sản xuất, khen thưởng khu vực ngoài Nhà nước, chú trọng xây dựng điển hình tiên tiến, phát hiện các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng để động viên, khuyến khích và tổ chức nhân rộng.
Chỉ thị cũng yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và các phong trào thi đua; kịp thời nêu gương “người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến,… nhằm thúc đẩy, cổ vũ phong trào thi đua, tạo sự đồng thuận cao và sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Quốc Vũ
(nguồn CT 01/CT-UBND ngày 17/1/2012)