Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020
Tin tức nổi bật
Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020 (04/02/2012)
Ngày 02/2/2012, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 của tỉnh Phú Yên. Trọng tâm của cải cách hành chính trong giai đoạn 10 năm tới là cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.
Theo Kế hoạch, nội dung cải cách thể chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách; thể chế hóa, hoàn thiện các quy định về sở hữu, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu khác nhau trong nền kinh tế; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung ứng các dịch vụ trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Xây dựng và hoàn thiện quy định về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, trọng tâm là bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng và phát huy quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước… Về cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính Nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ từng cơ quan hành chính Nhà nước. Trong giai đoạn 2011-2015, thực hiện cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, bảo đảm điều kiện cho kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững… Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, rà soát, kiến nghị hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; chuyển giao những công việc mà cơ quan hành chính Nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận. Thực hiện tốt việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, phường. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước; thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tập trung tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu, thành phố Tuy Hòa và Văn phòng UBND các huyện; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020. Cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; chất lượng dịch vụ công từng bước được nâng cao, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020… Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ, kỹ năng và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước. Triển khai thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi, thu hút những người có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cao và những người hoạt động trong các ngành đặc thù mà tỉnh còn thiếu về công tác tại tỉnh. Tiếp tục triển khai chính sách giải quyết nghỉ chờ nghỉ hưu, nghỉ hưởng chế độ một lần đối với cán bộ, công chức cấp xã; chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác ở cấp xã giai đoạn 2010-2012. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy định về tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của công chức, viên chức trúng tuyển; thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ giám đốc sở và tương đương trở xuống. Cụ thể hóa quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức tương ứng với trách nhiệm và có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức…
Về cải cách tài chính công, tập trung đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính Nhà nước, tiến tới xóa bỏ chế độ cấp kinh phí theo số lượng biên chế, thay thế bằng cơ chế cấp ngân sách dựa trên yêu cầu kết quả và chất lượng hoạt động. Phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện cân đối ngân sách tích cực, bảo đảm tỷ lệ tích lũy hợp lý cho đầu tư phát triển; dành nguồn lực cho con người; phấn đấu giảm dần bội chi ngân sách; chuyển các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phát triển các doanh nghiệp khoa học, công nghệ, các quỹ đổi mới công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm; xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học và công nghệ. Nhà nước tăng đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, thể dục, thể thao; đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; từng bước thực hiện chính sách điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công phù hợp; chú trọng đổi mới cơ chế tài chính của các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch. Chuẩn hóa chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế; nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh, từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Về hiện đại hóa hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, đến năm 2020: 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong các cơ quan; hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên mạng thông tin điện tử hành chính của tỉnh ở mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau. Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính Nhà nước, giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động dịch vụ hành chính công, dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công. Công bố công khai danh mục các dịch vụ hành chính công trên mạng thông tin điện tử hành chính của UBND tỉnh trên Internet. Xây dựng và sử dụng thống nhất biểu mẫu điện tử trong giao dịch giữa cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức và cá nhân, đáp ứng yêu cầu đơn giản và cải cách thủ tục hành chính…
Đồng thời UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia công tác cải cách hành chính, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu theo kế hoạch đề ra./.

Quốc Vũ
(Nguồn QĐ 163/QĐ-UBND ngày 02/02/2012)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: