Phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Yên đến năm 2020
Tin tức nổi bật
Phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Yên đến năm 2020 (27/06/2011)
UBND tỉnh vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu phát triển thương mại ngày càng vững mạnh theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo tiền đề chủ động hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế sâu rộng trên địa bàn Phú Yên.
Cụ thể, nhịp độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân giai đoạn 2011-2015 ≈ 24%/năm, đến năm 2015 đạt 27.399 tỷ đồng cao hơn gần 3 lần năm 2010; giai đoạn 2016-2020 tăng 18,5%/năm, đến năm 2020 đạt 64.012 tỷ đồng, cao hơn 2,3 lần so với năm 2015. Giá trị gia tăng ngành thương mại (giá so sánh 1994) đạt ≈ 1.028,16 tỷ đồng vào năm 2015 và 2.131,71 tỷ đồng vào năm 2020; tăng bình quân các giai đoạn: 2011-2015: 15,2%/năm và 2016-2020: 15,7%/năm.

Nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 23-24%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt ≈ 350 triệu USD, gấp 2,9 lần so với năm 2010; giai đoạn 2016-2020 nhịp độ tăng xuất khẩu bình quân hàng năm ≈ 19%, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt ≈ 850 triệu USD gấp hơn 2,4 lần so với năm 2015. Nhịp độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa bình quân đạt 17%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến năm 2015 kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 122 triệu USD, gấp ≈ 2 lần so với năm 2010; giai đoạn 2016-2020 nhịp độ tăng nhập khẩu bình quân hàng năm ≈ 18% và kim ngạch nhập khẩu đạt ≈ 275 triệu USD vào năm 2020, gấp hơn 2,2 lần so với 2015.

Về giải pháp thực hiện, ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Tạo điều kiện thông thoáng nhằm hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động thương mại, tạo dựng môi trường sản xuất kinh doanh rõ ràng, thống nhất, cạnh tranh bình đẳng; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Phát triển thị trường nội địa, chú trọng thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa của nông dân; thực hiện các giải pháp kích cầu trong sản xuất và tiêu dùng; Hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu; hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường mới, xuất khẩu mặt hàng mới, tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại - đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực…; Đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong hoạt động thương mại; Khuyến khích việc áp dụngến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào quản lý, sản xuất kinh doanh; Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng người sản xuất và người tiêu dùng; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về giá, về đo lường, bảo đảm chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, phòng chống dịch bệnh...

 

Quốc Vũ

(Nguồn QĐ 968/QĐ-UBND ngày 17.6.2011)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: