Chương trình MTQG XDNTM: Kết quả sau 2 năm thực hiện và nhiệm vụ giải pháp thời gian đến
Tin tức nổi bật
Chương trình MTQG XDNTM: Kết quả sau 2 năm thực hiện và nhiệm vụ giải pháp thời gian đến (31/01/2013)
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và quốc phòng - an ninh, thông qua các chỉ tiêu phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực. Đến thời điểm này, tỉnh Phú Yên đã cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQGXDNTM) và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Cùng với cả nước, ngay từ đầu năm 2011, các cấp, các ngành ở Phú Yên đã tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh có liên quan; xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện CTMTQGXDNTM giai đoạn 2010-2020; thành lập Ban Chỉ đạo CTMTQGXDNTM ở các cấp từ tỉnh đến xã theo đúng hướng dẫn của Trung ương, đồng thời xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Kết quả nổi bật trong 02 năm thực hiện CTMTQGXDNTM là công tác tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu của Chương trình, từng bước nâng cao nhận thức trong đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đã có trên 50 tin bài phát sóng trên truyền hình, trên 150 tin bài phát sóng phát thanh, trên 200 tin bài được đăng tải trên Báo Phú Yên; ở cấp huyện, xã có trên 2.896 lượt phát thanh địa phương. Ngoài ra, các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu; phát động phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” và tổ chức ký kết thi đua xây dựng nông thôn mới; thực hiện niêm yết quyết định phê duyệt, bản đồ quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới tại trụ sở UBND các xã; xây dựng gần 500 khẩu hiệu, băng rôn để tuyền truyền.

Trong 02 năm qua, có hơn 6.389 lượt người tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới do Trung ương, tỉnh, huyện, xã tổ chức. Nội dung tập huấn phù hợp với khung chương trình của Trung ương và phù hợp với thực tế của địa phương. Ngoài kiến thức về xây dựng nông thôn mới, đa số cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng khác liên quan, với 1.688 cán bộ, công chức của 91 xã tham gia. Đến cuối năm 2012, có 91/91 xã hoàn thành việc phê duyệt Đồ án quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới.

Về đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí tại Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay các xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xong. Qua đánh giá của các xã, mức độ đạt các tiêu chí còn thấp, có 6 xã đạt từ 9 - 10 tiêu chí, 48 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí, 37 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Trong năm 2012, từ nhiều chương trình, dự án và các thành phần kinh tế đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, với tổng vốn hơn 2.260 tỷ đồng, chiếm trên 25% tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều công trình, dự án hoàn thành đưa vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển; cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng; thu nhập và đời sống nhân dân nông thôn ngày càng cải thiện. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo, bước đầu huy động được sức dân, góp phần cùng Nhà nước tham gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung tiến độ thực hiện lập, phê duyệt Đồ án quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới tiến hành còn chậm so với kế hoạch và chất lượng chưa cao; nội dung quy hoạch có nơi chưa chắc và chưa thể hiện đầy đủ các quy trình, phương pháp xây dựng nông thôn mới (chủ yếu chỉ tập trung lĩnh vực xây dựng cơ bản). Một số đồng chí lãnh đạo ở các cấp, các ngành chưa nắm chắc các tiêu chí nông thôn mới liên quan đến trách nhiệm của ngành mình, cấp mình; chưa hình dung đầy đủ các nội dung công việc sắp đến phải làm để chỉ đạo thực hiện đạt kết quả theo tiến độ đề ra. Sự chỉ đạo của một số cấp uỷ chưa thật sự quyết liệt; sự phối hợp của các sở, ban, ngành với cơ quan thường trực chương trình ở các cấp chưa thật sự chặt chẽ. Năng lực đội ngũ của một bộ phận cán bộ làm công tác tham mưu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, nhất là cấp xã. Việc huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia Chương trình chưa tốt. Nhận thức của cán bộ và nhân dân chưa có sự chuyển biến thật sự; có lúc, có nơi lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chưa có quyết tâm cao, quyết liệt trong xây dựng và triển khai các giải pháp thực hiện. 

Một số nhiệm vụ, giải pháp

Để thực hiện hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của CTMTQGXDNTM đã đề ra, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Kết luận triển khai thực hiện CTMTQGXDNTM giai đoạn 2010-2020. Theo đó, yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Sớm phân loại các nhóm tiêu chí để có giải pháp thực hiện phù hợp, đạt hiệu quả cao, bao gồm: Thứ nhất, nhóm các tiêu chí ít đầu tư kinh phí nhưng phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, gồm 5 tiêu chí: Văn hoá; hệ thống tổ chức chính trị, xã hội vững mạnh; an ninh trật tự xã hội; hình thức tổ chức sản xuất; giáo dục. Phấn đấu đến năm 2015, có 95% số xã đạt tiêu chí về an ninh - quốc phòng; 60% - 70% số xã đạt các tiêu chí còn lại trong nhóm này (riêng các xã điểm hoàn thành trong năm 2014). Thứ hai, nhóm các tiêu chí do ngành, cấp trên đầu tư, cần tập trung chỉ đạo và tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện, gồm 3 tiêu chí: Điện; bưu điện; y tế. Đến năm 2015 đảm bảo từ 80% - 90% số xã đạt các tiêu chí trong nhóm này (riêng các xã điểm hoàn thành trước năm 2014). Thứ ba, nhóm các tiêu chí cần xác định lại để điều chỉnh nội dung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương (trên cơ sở vận dụng các định hướng của Trung ương một cách hợp lý), gồm 4 tiêu chí: Chợ nông thôn; trường học; cơ sở vật chất văn hoá; nhà ở dân cư. Thứ tư, nhóm các tiêu chí cần kiến nghị điều chỉnh, gồm 2 tiêu chí: Thu nhập dân cư và cơ cấu lao động. Phấn đấu đến 2015 có 100% số xã điểm và 50% số xã của tỉnh đạt 2 tiêu chí này. Thứ năm, nhóm các tiêu chí yếu kém phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, gồm 4 tiêu chí: Giao thông nông thôn; thuỷ lợi; tỷ lệ hộ nghèo; môi trường.

Các cấp, các ngành có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác tư tưởng, tuyên truyền mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; xem việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của toàn Đảng bộ, toàn hệ thống chính trị và toàn dân trong thời gian đến phải tập trung chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao; các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan phải coi việc thực hiện Chương trình là một nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hàng năm. Mỗi đồng chí lãnh đạo ở các cấp, các ngành phải nắm vững chủ trương và thực tiễn tình hình từng xã để có giải pháp phù hợp thực hiện có hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới ở các xã thuộc địa bàn hoặc ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Các đồng chí Bí thư cấp uỷ, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng các ban đảng, giám đốc các sở, ngành, trưởng các phòng, ban các huyện, thị, thành phố, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể, bí thư Đoàn Thanh niên phải nắm chắc nội dung để chỉ đạo và đề ra những biện pháp phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả.

Kịp thời củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp, đồng thời xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên Ban chỉ đạo; bố trí 01 Phó trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (đối với các huyện), 01 Phó trưởng phòng Kinh tế (đối với thị xã và thành phố) làm nhiệm vụ chuyên trách, phụ trách công tác xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành các nội dung này trong tháng 2/2013.

Ban Chỉ đạo CTMTQGXDNTM cấp tỉnh, huyện tham mưu giúp Ban Thường vụ cấp uỷ xây dựng Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; trong đó, xác định rõ mục tiêu, quy trình, giải pháp, tiến độ thực hiện đối với từng nội dung cụ thể, đồng thời phân công, quy định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc triển khai thực hiện. Trong tháng 3/2013, ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; giữa tháng 4/2013, ban hành nghị quyết của Ban Thường vụ cấp uỷ huyện và cuối tháng 4/2012 cấp uỷ đảng các xã hoàn thành xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết cấp trên. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phải xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác năm của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ. Định kỳ hàng tháng, UBND các cấp tổ chức giao ban, kịp thời thông tin báo cáo tiến độ triển khai thực hiện chương trình theo quy định (có thể tổ chức giao ban trực tuyến toàn tỉnh hàng tháng, nếu có điều kiện); hàng năm có tổng kết gắn với biểu dương, khen thưởng phù hợp. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở cấp mình, xác định nhiệm vụ, giải pháp 3 năm đến (2013 - 2015) để thống nhất chủ trương, hành động, trên cơ sở đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của cấp uỷ lãnh đạo triển khai thực hiện.

Triển khai thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh uỷ về hỗ trợ xi măng xây dựng giao thông nông thôn và kiên cố hoá kênh mương nội đồng; đối với các xã nghèo xem xét hỗ trợ chi phí vận chuyển xi măng; phần còn lại các xã vận động nhân dân cùng thực hiện. Giao Ban chỉ đạo cấp tỉnh CTMTQGXDNTM chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chủ trương này, trình UBND tỉnh ban hành; Sở Tài chính tham mưu văn bản cụ thể hoá về mặt tài chính chủ trương này, đảm bảo có cam kết của các địa phương trước khi nhận hỗ trợ xi măng và thực hiện công tác quản lý tài chính theo quy định; các xã thành lập Ban điều hành để triển khai thực hiện; Mặt trận Tổ quốc, hội, đoàn thể nhân dân tham gia giám sát. Việc thực hiện chủ trương này bắt đầu từ tháng 3/2013; phấn đấu trong năm 2013 thực hiện khoảng 500km đường giao thông nông thôn và 70 - 80km kênh mương nội đồng.

Các ngành liên quan chủ trì sớm tham mưu xây dựng hoàn chỉnh các giải pháp, kế hoạch thực hiện cụ thể đối với từng tiêu chí thuộc trách nhiệm của ngành, đơn vị mình phụ trách, nhất là việc xây dựng một số thiết kế mẫu để thông qua Ban chỉ đạo cấp tỉnh (trong tháng 3/2013), báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp cần thiết sẽ trình HĐND tỉnh (kỳ họp bất thường vào giữa tháng 3/2013) các kế hoạch cụ thể về xây dựng nông thôn mới (kể cả giao thông, thuỷ lợi và điều chỉnh nội dung một số tiêu chí cho phù hợp) để ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh triển khai thực hiện trong 3 năm (từ năm 2013 - 2015).

(Theo qh-hdndphuyen.gov.vn)

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: