Việc xây dựng mô hình xã điểm NTM thông minh gồm 5 nhóm nội dung và 13 chỉ tiêu. Cụ thể, nhóm chính quyền điện tử định hướng chính quyền số: Có dịch vụ công trực tuyến toàn trình; có dữ liệu phần mềm về đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công/công tác hỗ trợ, điều hành của chính quyền; có phổ biến thông tin (pháp luật, thông báo, hướng dẫn,...) đến tận điện thoại của người dân; dữ liệu hệ thống trung tâm điều hành thông minh, cấp xã có thể chia sẻ/kết nối dữ liệu với các địa phương và với cấp quản lý chính quyền cao hơn; thông tin liên lạc của tất cả cán bộ chính quyền được công khai cho người dân; có xây dựng nhóm hành động địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi số.
Nhóm hạ tầng số (hạ tầng kết nối internet, hạ tầng dữ liệu): Tỷ lệ đáp ứng đường thuê bao kết nối internet trên số hộ dân của xã đạt 95%; 95% hộ gia đình trong phạm vi của xã được phủ sóng mạng di động (4G/5G); có mạng wifi miễn phí ở các điểm công cộng (khu vực trung tâm xã, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng,...).
Nhóm dịch vụ nông thôn số: Trung tâm thông tin xã; có hệ thống quản lý thông tin dữ liệu kinh tế-xã hội của xã; có dịch vụ thương mại số và thông tin điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp; có mô hình HTX ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, có sự tham gia của người dân; có sản phẩm chủ lực được kinh doanh trên các mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử; 50% hộ dân sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến (điện, nước, môi trường, học phí, hành chính công,...); 50% số cơ sở kinh doanh dịch vụ (có ĐKKD) ứng dụng giải pháp thanh toán trực tuyến; thiết lập đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Nhóm quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (môi trường nông thôn): 90% hộ dân trên địa bàn xã thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Nhóm đảm bảo an ninh, trật tự xã hội: Có hệ thống camera giám sát an ninh kết hợp ứng dụng phần mềm hỗ trợ giám sát thông minh; có ứng dụng tương tác và xử lý phản ánh về an ninh trật tự của người dân cho chính quyền xã.
Dự ước, tổng kinh phí thực hiện mô hình khoảng hơn 04 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn huy động khác.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT; Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung chương trình; phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho các cấp.
UBND huyện Tây Hòa tổ chức, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả mô hình thí điểm “xã thông minh” trong xây dựng NTM. Ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động xây dựng mô hình; chỉ đạo UBND xã Hòa Đồng chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, giải pháp chi tiết để thực hiện hoàn thành từng chỉ tiêu xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh, bố trí nguồn lực để vận hành, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số (kết hợp công nghệ sinh học, công nghệ y sinh, công nghệ giáo dục…) trong việc thử nghiệm các mô hình, sản phẩm, dịch vụ số cho cộng đồng để tạo giải pháp nền móng, thiết thực giúp từng bước chuyển đổi, nâng cao nhận thức, kiến tạo thể chế cho xã Hòa Đồng trong việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Phú Yên đến năm 2025; góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh. |
Mỹ Luận