Theo đó, Kế hoạch hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững các cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, ổn định, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng tối ưu các nguồn lực, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể,phấn đấu đến năm 2030, duy trì và ổn định diện tích một số cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh như: Cây cao su, dừa, hồ tiêu, cà phê đạt khoảng 6.600 ha, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn/năm. Đồng thời, đào tạo, tập huấn cho những hộ nông dân nhằm nâng cao trình độ về kỹ thuật thâm canh bền vững cho cây công nghiệp, có áp dụng công nghệ cao, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để cải tạo, chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại trên vườn cây công nghiệp.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: Tăng cường truyền thông để người dân, doanh nghiệp và các thành phần xã hội nhận thức về chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp trong tổ chức sản xuất và phát triển bền vững các cây công nghiệp chủ lực; duy trì ổn định diện tích các vùng sản xuất cây công nghiệp chủ lực trong phương án quy hoạch của tỉnh, đồng thời rà soát diện tích trồng cây công nghiệp chủ lực trên những vùng đất không phù hợp, kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ, với giá trị cao hơn.
Tập trung nghiên cứu chuyển giao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và thị trường, khuyến khích đổi mới, sáng tạo để tạo ra các giá trị và sản phẩm mới. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm. Thực hiện tốt sự liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ, giữa các thành phần kinh tế và nông dân.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: chính sách tín dụng; hỗ trợ phát triển sản xuất giống; hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Lồng ghép các mục tiêu, nội dung của Đề án này với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan; trong đó lưu ý, không để xảy ra trùng lặp, chồng chéo với các đề án, dự án do các cơ quan, tổ chức đã và đang triển khai thực hiện.
(Nguồn KH số 187/KH-UBND ngày 9/10/2024)
Mỹ Luận