Tập trung phát triển ngành dệt may và da giày Phú Yên
Hoạt động lãnh đạo UBND Tỉnh
Tập trung phát triển ngành dệt may và da giày Phú Yên (06/06/2023)
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày của tỉnh Phú Yên bình quân giai đoạn 2023 - 2030 đạt 10,45%/năm, trong đó giai đoạn 2023 - 2025 đạt 14,9%/năm.

Đó là một trong những mục tiêu tại Kế hoạch số 129/KH-UBND về phát triển ngành dệt may và da giày Phú Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được UBND tỉnh ban hành.

Xưởng may của một doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Phú Yên

Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp ngành dệt may và da giày đạt trên 90% mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước và phấn đấu giảm dần khoảng cách với mức bình quân chung cả nước.

Đến năm 2030, phấn đấu thu nhập của lao động ngành dệt may và da giày đạt tương đương mức thu nhập của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần khoảng cách với mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước.

Tầm nhìn giai đoạn 2031 - 2035, tiếp tục cải thiện tỷ lệ nội địa hóa trên cơ sở thúc đẩy đầu tư nguyên phụ liệu đáp ứng nhu cầu phát triển và sản xuất các sản phẩm dệt may và da giày trong nước, giảm nhập khẩu; phấn đấu thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp của ngành này đạt tương đương và cao hơn thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước.

Kế hoạch đề ra 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện đạt các mục tiêu đề ra. Trong đó, đối với nhóm giải pháp phát triển thị trường, cơ quan quản lý nhà nước tăng cường năng lực dự báo nhu cầu thị trường nhằm hoạch định chiến lược sản phẩm đúng hướng. Tạo thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng thông qua các hoạt động tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, tổ chức các lớp tập huấn về phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, kết nối kinh doanh.

Đồng thời, đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin thị trường thường xuyên, đầy đủ chính xác và kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa và mở rộng thị trường còn nhiều dư địa, tiềm năng. Đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt may và da giày thông qua các nền tảng giải trí, văn hóa xã hội như phim truyền hình, âm nhạc, sự kiện thời trang.

Đối với doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường; đầu tư, nâng cao năng lực marketing; chủ động, tích cực theo dõi diễn biến thị trường, tiếp cận khách hàng; chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế để chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngành dệt may và da giày. Tích cực tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để giới thiệu và phát triển sản phẩm; xây dựng và đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Tổ chức và phát triển mạng lưới bán lẻ trong nước, đổi mới phương thức tiếp thị xuất khẩu. Xây dựng hình ảnh của ngành dệt may và da giày Phú Yên trên thị trường trong nước và quốc tế.

UBND tỉnh giao Sở Công Thương xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước phù hợp với định hướng phát triển của ngành dệt may, da giày. Hàng năm đăng ký, hỗ trợ vốn khuyến công quốc gia/địa phương cho các doanh nghiệp trong đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày nhằm chủ động nắm vững các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại để có định hướng kinh doanh phù hợp và bền vững.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên thu hút các dự án dệt may sử dụng công nghệ tiên tiến có kết nối với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để hình thành chuỗi liên kết giá trị. Bám sát, đồng hành cùng các cơ sở sản xuất, tham mưu tháo gỡ khó khăn, đề xuất hỗ trợ kịp thời để phát triển thành các mô hình, tạo tính liên kết trong phát triển chuỗi sản xuất may mặc trên địa bàn.

Mỹ Luận

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: