Trong đó, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh. Bám sát thực tiễn với tinh thần “hiệu quả trên hết” phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng, hoàn thiện, điều chỉnh ngay bảo đảm sát với diễn biến tình hình theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi dịch đi qua; cấp trên phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới, rà soát các khâu, các điều kiện, biện pháp phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, đánh giá nguy cơ và chủ động đề xuất áp dụng các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg và Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa bàn và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các biện pháp phòng chống dịch trên địa phương mình quản lý.
Đồng thời, đẩy mạnh và tiếp tục duy trì việc thành lập tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; lập và duy trì đường dây nóng 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của người dân về chăm sóc y tế và sinh hoạt thiết yếu để kịp thời hỗ trợ người dân; huy động các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh.
UBND tỉnh giao Sở Y tế phối hợp với Tiểu Ban xét nghiệm và các địa phương tiến hành xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Đối với các địa bàn có mức độ lây lan rộng, sâu cần thực hiện đồng bộ trong xét nghiệm, chăm sóc, điều trị, bảo đảm giảm tối đa tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ tử vong và tuyệt đối không để lây lan sang các địa bàn khác.
Phối hợp với Ban Chỉ đạo tiêm chủng tổ chức tiêm vắc xinphòng COVID-19 theo kế hoạch của UBND tỉnh, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi; huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn tỉnh, nhất là tại các địa phương có nhiều ca nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; phối hợp các địa phương phân bổ kịp thời gạo cứu trợ của Chính phủ đến với người dân; thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, theo dõi bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn và giảm tối đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này.Tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và địa phương cùng với Hội đồng hương Phú Yên tại TP.Hồ Chí Minh thực hiện tốt kế hoạch đưa đón công dân Phú Yên từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam về địa phương đảm bảo an toàn.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng và thực hiện tốt phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu kịp thời cho người dân;duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chỉ những cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định mới được phép hoạt động, trên tinh thần an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải; phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Chủ động phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng, triển khai phương án chi tiết phân luồng giao thông phù hợp, đảm bảo lưu thông hàng hóa và không làm ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của nhân dân…
Mỹ Luận