Rác thải được ngư dân thu gom từ ngoài biển đưa về Cảng cá Dân Phước (TX Sông Cầu) để phân loại, xử lý. Ảnh PYO
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan đầu mối, chủ trì tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường bằng nhiều hình thức nhằm góp phần nâng cao ý thức và biến nhận thức thành hành động cụ thể trong các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh về việc bảo vệ môi trường.
Chỉ đạo, hướng dẫn để nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã; kịp thời giám sát công tác tham mưu thẩm định hồ sơ môi trường đối với cấp huyện, cấp xã; đồng thời, chủ động theo dõi, nhắc nhở Chủ đầu tư thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý, bảo vệ môi trường sau khi hồ sơ môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền, đặc biệt là công tác giám sát môi trường sau khi hồ sơ môi trường được phê duyệt. Chú trọng công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, giải quyết, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, đặc biệt chú trọng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở chăn nuôi nằm xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn. Tăng cường thu gom, xử lý các điểm tồn đọng rác thải, giải quyết các vấn đề môi trường trên địa bàn gây bức xúc trong dư luận; kịp thời hướng dẫn biện pháp xử lý, phòng ngừa việc lan truyền các chất ô nhiễm ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường.
Công tác thẩm định, cấp giấy phép môi trường của các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải phù hợp với các quy hoạch được phê duyệt, không phê duyệt các dự án mới có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đặc biệt lưu ý khoảng cách đến khu dân cư đối với các dự án chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm,.... đảm bảo công trình xử lý chất thải đủ khả năng xử lý chất thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải.
Đối với các địa phương ven biển, cần chú trọng thêm công tác bảo vệ môi trường ven biển, đầm vịnh, đặc biệt là các khu nuôi trồng thủy sản. Tổ chức hoạt động ký kết các hương ước, cam kết bảo vệ môi trường cho các hộ nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ven đầm, vịnh. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải công nghiệp vào đầm, vịnh, bãi biển; huy động mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, hạn chế tình trạng xả nước thải thẳng ra đầm, vịnh, ven bờ biển.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản về bảo vệ môi trường, qua đó đã góp phần trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhiều tuyến đường phố, khu dân cư, nơi công cộng được quan tâm duy trì, bảo đảm sạch, đẹp. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, theo thông tin phản ánh của người dân và báo chí, phát sinh một số vấn đề ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tồn đọng rác thải trong khu dân cư, bãi biển… gây ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng dân cư, cảnh quan môi trường. |
Mỹ Luận