Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2021
Hoạt động lãnh đạo UBND Tỉnh
Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2021 (06/07/2021)
UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp các ngành và sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và sâu sát của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, cùng với những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các đơn vị liên quan và nhân dân trong tỉnh, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục như: Kỹ năng phòng, chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn còn mỏng, phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn thiếu về số lượng và chủng loại; việc nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các phương tiện trên biển còn khó khăn, một bộ phận ngư dân vẫn chủ quan chưa trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước khi ra khơi; việc chấp hành chế độ trực ban, báo cáo của một số đơn vị, địa phương chưa kịp thời.

Năm 2021, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu toàn cầu; đặc biệt là các hình thế cực đoan như bão mạnh, siêu bão, mưa, lũ lớn. Để chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và nghiêm túc thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Nghị quyết số 76 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Khẩn trương rà soát, cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch phòng, chống thiên tai và Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Điều 15 và Điều 22 của Luật Phòng, chống thiên tai; chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tất cả các tháng trong năm để ứng phó kịp thời với các dạng thiên tai như: Hạn hán, bão, lũ lụt, sạt lở đất, triều cường… lồng ghép nội dung Kế hoạch phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực. - Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong phạm vi đơn vị mình; đồng thời phải chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống thiên tai và TKCN theo chỉ đạo, điều động của UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-TKCN tỉnh. - Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; trong đó đặc biệt lưu ý việc tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra phải thực hiện đúng thời gian và theo biểu mẫu quy định được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNTBKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT-Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, việc báo cáo phải chính xác kịp thời tránh việc tổng hợp báo cáo sau thời gian yêu cầu của cơ quan cấp trên và kết thúc đợt thiên tai sau thời gian dài.

UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức, triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 theo phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” để chủ động phòng tránh-ứng phó kịp thời-khắc phục khẩn trương có hiệu quả. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng theo kế hoạch; tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả. Lập và triển khai thực hiện tốt kế hoạch, phương án phòng, chống hạn hán mùa khô năm 2021 để đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hệ thống hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc... xác định các khu vực trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố vỡ hồ, đập thủy lợi, thủy điện, xả lũ khẩn cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, tổ dân phố, người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan. Rà soát, tổ chức lực lượng chuyên trách về công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện. Đối với cấp xã và thôn xóm, tổ chức các Đội xung kích ứng trực, quan sát và kịp thời cảnh báo các sự cố thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, kịp thời thông báo tới các hộ dân trong vùng nguy hiểm để chủ động phòng tránh.

Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực BCH Phòng, chống thiên tai-TKCN tỉnh) thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để tham mưu việc chỉ đạo, điều hành tốt công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT trước và sau mùa mưa lũ. Theo dõi, đôn đốc các sở, ban ngành, địa phương thực hiện lập Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Điều 15 và Điều 22 của Luật Phòng, chống thiên tai. Rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi đã được phê duyệt; báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung theo quy định, nếu không còn phù hợp với tình hình thực tế. Phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn quản lý và vận hành công trình thủy lợi, quản lý an toàn đập nhằm từng bước củng cố đảm bảo đủ năng lực, chuyên môn đối với cán bộ trực tiếp quản lý công trình. Tăng cường quản lý, kiểm soát tàu thuyền, kiên quyết không để các tàu đánh bắt thủy, hải sản hết hạn đăng kiểm; trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc không đảm bảo; thuyền trưởng, máy trưởng thiếu chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ ra khơi. Kiểm tra rà soát hiện trạng các khu neo đậu và cung cấp thông tin liên quan để tàu thuyền ra vào tránh trú bão thuận lợi, an toàn. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các khu nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, trên biển. - Hướng dẫn địa phương trong việc trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo an toàn trước, trong và sau thiên tai, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương đối với giống cây trồng, vật nuôi, thuốc khử trùng tiêu độc đề xuất hỗ trợ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tăng cường công tác quan trắc khí tượng thủy văn, theo dõi diễn biến của thiên tai và thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo đến Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-TKCN tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan phục vụ kịp thời công tác phòng chống thiên tai-TKCN trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thông tin kịp thời về tình hình diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị quản lý hồ thủy lợi, thủy điện thường xuyên, tăng cường công tác kiểm tra khi phát hiện những vấn đề bất thường hoặc các nguy cơ tiềm ẩn không an toàn phải kịp thời báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền biết để chỉ đạo khắc phục; đồng thời triển khai ngay các biện pháp xử lý khắc phục hậu quả xấu có thể xảy ra. Ngoài việc thực hiện đúng quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải chấp hành nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-TKCN tỉnh trong công tác cắt lũ, giảm lũ và chậm lũ cho vùng hạ du. Trước khi thực hiện vận hành, điều tiết hồ phải thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương các cấp, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-TKCN tỉnh và nhân dân (nhất là vùng bị ảnh hưởng) biết theo đúng quy định. Tổ chức kiểm tra công trình trước lũ, thực hiện phát dọn bụi rậm, chặt cây trên mái đập, đỉnh đập, mang tràn, mang cống và nạo vét rãnh tiêu nước mái hạ lưu đập nhằm thuận lợi cho công tác quan trắc, kiểm tra các hạng mục công trình đầu mối trong mùa mưa lũ; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, tổ chức trực ban, kiểm tra công trình trong và sau mùa mưa lũ nhằm sớm phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố...

Chủ đầu tư xây dựng các công trình đôn đốc nhà thầu thi công tập trung nhân lực, máy móc thiết bị tiến hành thi công xây dựng các hạng mục chính, hạng mục phòng chống lũ, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho công trình, người và tài sản trong phạm vi quản lý. Tổ chức bố trí lực lượng canh gác, cắm biển cảnh báo khu vực có nguy hiểm để người dân biết, phòng tránh, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-TKCN tỉnh, các Sở, ngành chuyên môn về quản lý công trình khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Thủy Loan

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: