Theo quy định này, đối với công tác tổ chức bộ máy, quản lý biên chế và vị trí việc làm: Thẩm quyền của Sở và tương đương sẽ quyết định phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Thẩm quyền UBND cấp huyện quyết định phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Về công tác quản lý công chức, viên chức: Thẩm quyền của Sở Nội vụ là cơ quan thường trực của Hội đồng tuyển dụng công chức tỉnh; Hội đồng kiểm tra, sát hạch để tiếp nhận vào làm công chức. Có ý kiến về chỉ tiêu tuyển dụng trước khi cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành Kế hoạch tuyển dụng viên chức; việc tiếp nhận vào làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp theo quy định (thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện, cấp sở); kế hoạch tuyển dụng, tiếp nhận công chức cấp xã.
Sở Nội vụ là cơ quan thường trực của Hội đồng nâng ngạch công chức cán sự lên chuyên viên và tương đương, chuyên viên lên chuyên viên chính và tương đương; Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I (bao gồm cả chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A3). Quyết định chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II trở xuống của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Có ý kiến chỉ tiêu thăng hạng trước khi các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành Kế hoạch xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II trở xuống; xếp lương cán bộ, công chức cấp xã sau khi có kết quả bầu cử cán bộ cấp xã, thi tuyển hoặc kiểm tra, tiếp nhận vào làm công chức cấp xã.
Theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Sở Nội vụ quyết định tiếp nhận, điều động, chuyển công tác cán bộ, công chức, viên chức ngoài tỉnh về công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh quản lý và ngược lại; từ các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, đoàn thể về cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và ngược lại; giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương; từ các cơ quan hành chính sang đơn vị sự nghiệp và ngược lại (thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện, cấp sở).
Cấp Sở và tương đương, UBND cấp huyện có thẩm quyền: Tổ chức thực hiện tuyển dụng viên chức theo đúng quy định. Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II trở xuống tại các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo quy định. Quyết định các loại phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; Quyết định cử công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý tham gia bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành…; đánh giá kết quả thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Mỹ Luận