Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là xác định rõ tiềm năng di sản địa chất (DSĐC) và các loại hình di sản khác ở khu vực CVĐC. Thành lập CVĐC Phú Yên, Ban Quản lý CVĐC Phú Yên; ra mắt và tham gia Mạng lưới CVĐC Quốc gia tại Việt Nam; triển khai công tác khảo sát, điều tra, đánh giá bổ sung và tổng hợp các tài liệu đã có chuẩn bị cho công tác lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu đối với CVĐC Phú Yên. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu theo hướng dẫn của UNESCO; lập quy hoạch bảo tồn và phát triển, quy hoạch xây dựng, kế hoạch quản lý và triển khai các nội dung cần thiết khác (hệ thống thuyết minh, biển bảng, cơ sở dữ liệu, lớp tập huấn, khoanh vùng bảo vệ di sản...) làm cơ sở để UNESCO xem xét, thẩm định, công nhận CVĐC toàn cầu. Hình thành các sản phẩm du lịch địa chất gắn với phát triển các ngành kinh tế phụ trợ, phục vụ du lịch ngày càng chất lượng, chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu du khách nội địa và quốc tế.
Khu vực CVĐC Phú Yên được xác định nằm trên địa bàn 07 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An, một phần các huyện: Phú Hòa, Tây Hoà và Sơn Hòa) với tổng diện tích đất liền khoảng 1.927 km2 và diện tích mặt nước vùng nội thủy khoảng 1.000km2 (tính từ bờ ra đến độ sâu khoảng 50m, bao gồm các đảo ven bờ).
Đường ranh giới của CVĐC được xác định trên nguyên tắc lấy trọn vẹn đến địa giới đơn vị hành chính cấp xã thuộc 07 huyện, thị xã, thành phố nói trên không có nghĩa là lấy toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính của 07 địa phương này. Bên trong đường ranh giới, CVĐC sẽ được tổ chức thành các tuyến du lịch đặc trưng; kết nối các điểm di sản, cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống, các điểm phục vụ khách du lịch, các nhà cung cấp đối tác của CVĐC, nhằm khai thác tổng hợp giá trị của CVĐC và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch trên toàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh Quyết định thành lập Ban Quản lý CVĐC Phú Yên; khảo sát, điều tra, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học về các giá trị nhân văn, tự nhiên, DSĐC, DSVH và ĐDSH của CVĐC, triển khai các quy trình, thủ tục để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu; tổ chức thông tin, tuyên truyền, quảng bá về những giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa và nhân văn trong CVĐC; xây dựng bộ phim về CVĐC Phú Yên và tờ rơi về CVĐC. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện việc xây dựng Trung tâm thông tin và hình thành bảo tàng sinh thái địa chất, tái hiện lịch sử tiến hóa địa chất ở các địa phương thuộc phạm vi CVĐC Phú Yên để giới thiệu với cộng đồng về các giá trị địa chất - địa mạo, các vị trí, địa điểm di sản điển hình... dưới dạng sa bàn, sơ đồ khối, các mô hình tĩnh, động..., đồng thời đây cũng là nơi lưu trữ cơ sở dữ liệu về các đặc điểm và giá trị địa chất - địa mạo của CVĐC Phú Yên, nơi đặt hệ thống máy chủ và mạng LAN nối với các vị trí, địa điểm trình diễn điển hình trong khu vực, cũng là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục cộng đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện; thực hiện các thủ tục về đất đai theo thẩm quyền quy định. Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường đối với các dự án theo thẩm quyền. Tăng cường phối hợp với thanh tra chuyên ngành trong việc quản lý môi trường, du lịch; tạo mọi điều kiện trong triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về DSĐC trong CVĐC.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trong vùng CVĐC chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ liên quan xây dựng, phát triển CVĐC Phú Yên thuộc phạm vi địa bàn quản lý, phù hợp với điều kiện, tiềm năng thế mạnh của huyện và các quy hoạch có liên quan. Theo chức năng nhiệm vụ thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước thuộc phạm vi CVĐC Phú Yên trên địa bàn theo thẩm quyền và phân cấp quản lý. Nghiên cứu đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch truyền thống của địa phương và hình thành thị trường du lịch để phục vụ cho phát triển du lịch trên địa bàn. Thẩm định phương án bảo vệ môi trường các dự án theo quy định. Thường xuyên giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường tại các khu di tích, khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự, vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch, xây dựng phương án phòng tránh thiên tai, bảo tồn di sản địa chất, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền những vấn đề phát sinh.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện nội dung Đề án này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, có vướng mắc, phát sinh, kịp thời báo cáo báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp) để xem xét.
Thủy Loan