Nhằm cụ thể hóa thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành năng lượng,UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 04/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm bảo đảm cung cấp năng lượng đầy đủ và ổn định, có chất lượng cao, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương. Đưa ngành năng lượng trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng, góp phần tiết kiệm đất đai, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; nâng cấp, phát triển lưới điện truyền tải, phân phối điện trên địa bàn tỉnh tiên tiến, hiện đại.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:Tổng công suất các nguồn điện trên địa bàn tỉnh (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) đạt khoảng 2.415MW; sản lượng điện đạt khoảng 5,9 tỷ kWh; tương đương khoảng 0,912 triệu TOE (tấn dầu quy đổi). Đến năm 2045:Tổng công suất các nguồn điện đạt khoảng 12.042MW; sản lượng điện đạt khoảng 23,6 tỷ kWh; tương đương khoảng 3,6 triệu TOE. Xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ để vận hành hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, đảm bảo khả năng truyền tải công suất của các dự án năng lượng tái tạo; khả năng cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Phát triển điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 tăng thêm 30MW, đến năm 2045 tăng thêm 50MW. Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu chung cả nước ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 25% vào năm 2045.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cần triển khai thực hiện như: Phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững. Phát triển bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng. Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng. Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Phát triển khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng. Tăng cường sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội trong phát triển ngành năng lượng…
UBND tỉnh giao Sở Công thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân liên quan trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật về năng lượng. Tạo điều kiện, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo các dự án triển khai an toàn, đúng quy định. Rà soát, cập nhật các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển các dự án nguồn điện phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống điện của tỉnh và khu vực; phát triển dự án điện gió trên biển gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Triển khai các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà đối với hộ dân, cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng sạch. Xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh…
Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển năng lượng bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư về năng lượng, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường gắn với đầu tư lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất của các dự án trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài các dự án năng lượng có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Không cho phép đầu tư các dự án năng lượng có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm hoặc thu hồi các dự án đầu tư không đảm bảo tiến độ theo quy định pháp luật.
Thủy Loan