Theo đó, kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Vùng nuôi trên bờ chủ yếu tại hạ lưu sông Bàn Thạch, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông; rà soát chuyển đổi một số vùng nuôi phù hợp, hiện có thành vùng nuôi công nghệ cao: Vùng nuôi công nghệ cao Hạ lưu Sông Bàn Thạch 120ha, vùng nuôi xã Xuân Bình 100ha, vùng nuôi xã Xuân Lộc 100ha; vùng nuôi trồng rong biển xã Xuân Phương 50ha. Vùng nuôi trên biển gồm: Vùng nước vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông; vùng nuôi trên biển mở tại vùng biển xã Xuân Cảnh, Xuân Phương; vùng biển Lễ Thịnh, An Ninh Đông và Cù Lao Mái Nhà, Hòn Yến xã An Hòa Hải, Hòn Chùa xã An Chấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2025 đạt khoảng 2.650ha. Trong đó, diện tích nuôi trong đầm, vịnh 1.000ha (vịnh Xuân Đài: 747 ha, đầm Cù Mông 253ha), hình thành vùng nuôi biển mở ven bờ và xa bờ với diện tích 1.650ha (vùng biển mở thuộc xã Xuân Cảnh 700ha, xã Xuân Phương 300ha, huyện Tuy An 650ha), nuôi tôm hùm trên bờ khoảng 70ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2025 đạt khoảng 7.000tấn, trong đó ổn định sản lượng nuôi đầm vịnh khoảng 2.000 tấn-2.500 tấn: tôm hùm khoảng 1.500 tấn-2.000 tấn, cá biển các loại khoảng 500 tấn; vùng biển mở, ven bờ và xa bờ khoảng 4.500-5.000 tấn (chủ yếu cá biển khoảng 3.500- 4.000 tấn; rong, tảo biển và các đối tượng khác khoảng 1.000 tấn). Đối tượng nuôi như cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể, rong tảo biển và các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Lồng bè nuôi vùng đầm, vịnh chuyển đổi vật liệu lồng từ thủ công sang HDPE tối thiểu 30% số lồng nuôi theo quy hoạch; vùng biển mở sử dụng 100% hệ thống lồng, bè có kết cấu và vật liệu HDPE, vật liệu mới phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết (sóng to, gió lớn, bão). Giá trị nuôi biển đạt 2.400 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD.
Đến năm 2030, ngoài vùng nuôi như giai đoạn trước, mở rộng thêm vùng biển mở xa bờ trên 6 hải lý thuộc vùng biển 04 huyện thị ven biển. Diện tích mặt nước nuôi biển 3.650ha (khoảng 1,5 triệu m3 nuôi). Sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn. Các đối tượng nuôi như cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể, rong tảo biển và các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Sử dụng 100% hệ thống lồng, bè, nhà giàn nuôi có kết cấu và vật liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết (sóng to, gió lớn, bão). Chuyển đổi tối thiểu 50% lồng, bè nuôi truyền thống theo quy hoạch trong các đầm, vịnh sang lồng HDPE, sử dụng tối thiểu 30% thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm hùm trên biển. Giá trị nuôi biển đạt 3.520 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 140 triệu USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, cùng với các ngành kinh tế khác, phát triển ngành nuôi biển của tỉnh đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại và trở thành ngành hàng chủ lực trong ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung. Hệ thống lồng, bè sử dụng 100% vật liệu mới có kết cấu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết (sóng to, gió lớn, bão), sử dụng 100% thức ăn công nghiệp trong nuôi biển. Diện tích nuôi biển 3.650ha (khoảng 1,5 triệu m3 nuôi); sản lượng nuôi biển khoảng 50.000 tấn/năm. Giá trị nuôi biển đạt 5.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD.
Một số giải pháp cần triển khai thực hiện như: Tăng cường chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, quản lý và tổ chức sản xuất; triển khai các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống để sản xuất, ương dưỡng con giống; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển; xây dựng và vận hành hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh chủ động; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; hợp tác, phối hợp trong nước, quốc tế Tổ chức các hoạt động hợp tác.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện tuân thủ sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, cũng như tình hình thực tế của địa phương để tận dụng và phát huy thế mạnh, kinh nghiệm của các đơn vị trong ngành, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư quốc tế và địa phương để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh. Xác định nội dung, nhiệm vụ phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho ngư dân; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc. Triển khai có lộ trình cụ thể để đảm bảo phát triển nuôi biển được hài hòa giữa phát triển các ngành kinh tế khác, tránh tình trạng chồng lấn, gây xung đột, mâu thuẫn không gian quy hoạch chung của tỉnh, có hiệu quả, bền vững lâu dài. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ đề ra.
Thủy Loan