Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản
Hoạt động lãnh đạo UBND Tỉnh
Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản (25/11/2024)
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, hạn chế thiệt hại cho người nuôi, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2025.

Theo đó, Kế hoạch hướng tới mục tiêu chủ động phòng, khống chế các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi; đối với tôm hùm, bảo đảm số lồng tôm hùm nuôi bị bệnh thấp hơn 15% tổng số lồng thả nuôi; giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác, không để mầm bệnh lây lan rộng. Đồng thời, khuyến khích xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) chi tiết; hướng dẫn thực hiện lịch mùa vụ, đối tượng và cơ cấu thủy sản nuôi trồng phù hợp địa phương, quy trình sản xuất, thu hoạch, phối hợp cơ quan có liên quan điều phối nước phục vụ nuôi trồng; tham gia thực hiện phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh trong NTTS; hướng dẫn, kiểm tra sản xuất giống thủy sản theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh thủy sản theo quy định của pháp luật; thực hiện quản lý truy xuất nguồn gốc giống thủy sản và quản lý chất lượng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định. Phối hợp, hướng dẫn các huyện, thị xã, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

UBND các huyện, thị xã ven biển chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, người nuôi thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình về phòng, chống dịch bệnh trong NTTS; phối hợp chặt chẽ với các ngành cấp tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng bố trí kinh phí để xử lý môi trường vùng nuôi, xử lý ổ dịch; có cơ chế hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản của địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ thú y cơ sở.

Mỹ Luận

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: