Khuyến khích cơ quan, đoàn thể tổ chức lễ cưới cho CBCNV
Theo hướng dẫn, việc cưới phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia
đình, pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch và các quy
định pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, việc
cưới cần được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh,
gọn nhẹ, tiết kiệm theo phong tục truyền thống, phong tục từng nơi,
từng dân tộc; không cưới tảo hôn, không tổ chức cưới phô trương hình thức, trục
lợi mang tính “bán cỗ” thu tiền; âm nhạc dùng trong lễ
cưới phải lành mạnh, vui tươi, khuyến khích sử dụng âm nhạc dân tộc, các bài
hát ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa… Ngoài ra, khuyến khích cơ
quan, đoàn thể, tổ chức xã hội đứng ra tổ chức lễ cưới cho cán bộ, công nhân
viên, hội viên của đơn vị mình; tổ chức tiệc trà thay cho tổ chức tiệc mặn; không
sử dụng thuốc lá trong đám cưới…
Tổ chức việc tang tiết kiệm, bỏ các hủ tục lạc hậu
Hướng dẫn về tổ chức
việc tang, khi gia đình có người chết phải báo cáo kịp
thời cho chính quyền xã, phường, thị trấn làm thủ tục khai tử; địa
phương có người chết, phải thành lập Ban tang lễ để lo việc tang đúng với quy
định của Nhà nước. Tổ chức việc tang phải thực hiện theo đúng
quy định của pháp luật, vận động gia đình tổ chức việc tang tiết
kiệm, bỏ các hủ tục lạc hậu, bỏ các tục như lăn đường, chống gậy, chia của cho
người chết, tục gọi hồn, yểm bùa, rắc vàng mã, tiền âm phủ, tiền giấy trên
đường khi đưa tang và các hình thức mê tín dị đoan khác…
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Khuyến khích tổ chức các lễ hội
truyền thống dân gian, trò chơi mang giá trị văn hóa
tinh thần của địa phương nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa
dân tộc; tổ chức những lễ hội mới
như: Hội Văn hóa - Thể thao- Du lịch các dân tộc, Ngày hội đại đoàn kết toàn
dân tộc, Tết Độc lập (Quốc khánh 2/9)… với những hình thức phong phú, hấp dẫn
để thu hút đông đảo nhân dân. Không được phục hồi các lễ hội mê tín, lạc hậu.
Khi tổ chức lễ hội, nghi
thức phải được thực hiện trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc;
Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ
hội, cờ tôn giáo; chỉ treo cờ hội, cờ tôn giáo tại địa điểm lễ hội và trong
thời gian tổ chức lễ hội; không bán vé vào dự lễ hội; đảm bảo trật tự an
ninh trong lễ hội; không đốt vàng mã trong khu vực lễ hội; không đốt pháo, đốt
và thả đèn trời; ứng xử, giao tiếp có văn hóa trong các hoạt động lễ hội; giữ
gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan lễ hội; đồng thời nghiêm cấm lợi dụng lễ hội
để hành nghề mê tín dị đoan, xem số, xem bói, gọi hồn, cầu cơ, yểm bùa, trừ tà,
phù phép chữa bệnh, lưu hành các ấn phẩm phản động, đồi trụy…
UBND tỉnh cũng yêu cầu sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và
lễ hội đi vào nề nếp, coi đây là nhiệm vụ chính trị xã hội quan trọng, cần chỉ
đạo đồng bộ, thường xuyên và thực hiện có hiệu quả; đồng thời quán triệt CBCC,
viên chức, người lao động gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện
hướng dẫn này.