|
Đại biểu dự Hội nghị
tại điểm cầu Phú Yên - Ảnh: Mỹ Luận |
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 7 tháng đầu năm 2013, Bộ
Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách
nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy
sản và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, hoạt động giám sát
thường xuyên thông qua các chương trình giám sát quốc gia được duy trì ổn định,
hoạt động kiểm tra đang chuyển hướng theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT kết hợp
với hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Thời gian qua, các ngành chức năng đã triển khai tốt các
chương trình giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản, thủy sản như giám sát
các chất độc hại trong thủy sản, kết quả phát hiện 11 mẫu/1.528 mẫu nhiễm hóa
chất, kháng sinh vượt giới hạn tối đa cho phép, giảm so với năm 2012; tiến hành
đánh giá, phân loại các nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm 26 loại
rau, quả tươi sản xuất trong nước, kết quả cho thấy nhóm rau ăn lá có nguy cơ
cao hơn rau ăn quả, và đánh giá nguy cơ theo vùng địa lý thì các vùng sản xuất,
kinh doanh rau, quả của các tỉnh phía Bắc có nguy cơ cao hơn miền Trung và thấp
nhất và khu vực các tỉnh phía Nam… Công tác kiểm tra, đánh giá các cơ sở giết
mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông thủy sản, vật tư nông
nghiệp vẫn được chú trọng tổ chức kiểm tra thường xuyên.
Công tác quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản nhập khẩu
đã đi vào nề nếp, theo thông lệ quốc tế. Giải quyết hiệu quả, kịp thời rào cản
kỹ thuật ATTP của thị trường xuất khẩu, duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu
nông lâm thủy sản tại các thị trường truyền thống và khai thông một số thị
trường mới.
Trong 5 tháng còn lại của năm 2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT
đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu cần phải thực hiện như: hoàn thiện, phổ
biến, tuyên truyền giáo dục cơ chế chính sách, pháp luật quản lý chất lượng VTNN,
ATTP nông lâm thủy sản; tổ chức thực thi quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm
thủy sản; triển khai thực chất Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT; xây dựng mô hình
điểm “chuỗi thực phẩm an toàn” theo Thông tư 02/2013/TT-BNNPTNT; triển khai
kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, liên ngành theo kế hoạch, chú trọng giải
quyết các sự cố ATTP trên địa bàn; chủ động, kịp thời giải quyết rào cản kỹ
thuật, tiếp cận thị trường xuất khẩu; tăng cường kiểm soát chất lượng ATTP nông
sản nhập khẩu; xây dựng lực lượng, tăng cường năng lực….
Mỹ Luận