Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp mục tiêu phát triển nông nghiệp đặc sản, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do vậy, tỉnh Phú Yên ưu tiên phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản, các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn (về trồng trọt, chăn nuôi).
Về lĩnh vực công nghiệp, Phú Yên tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, giá trị gia tăng lớn. Các ngành công nghiệp chủ lực bao gồm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chất lượng cao; công nghiệp cơ khí - chế tạo; công nghiệp luyện kim; lọc hóa dầu; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp dược phẩm; công nghiệp gắn với công nghệ số…
Cùng với đó, Phú Yên tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt.
Lĩnh vực thương mại, du lịch - dịch vụ, Phú Yên định hướng thu hút đầu tư vào các địa điểm tiềm năng như khu vực Vịnh Vũng Rô, Gành Đá Đĩa, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan,...
Ngoài ra, Phú Yên định hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của tuyến đường ven biển; kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn, tạo trục động lực trong phát triển lĩnh vực dịch vụ - du lịch.
Đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, Phú Yên định hướng kêu gọi đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Nam Phú Yên trở thành động lực trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh; huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả Cảng Vũng Rô, tập trung thu hút đầu tư Cảng nước sâu Bãi Gốc và hạ tầng logistics gắn với Khu công nghiệp Hòa Tâm.
Bên cạnh đó, Phú Yên cũng thúc đẩy đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại; tập trung đầu tư hạ tầng đô thị thông minh, các khu đô thị thương mại, dịch vụ trong khu kinh tế.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, trên cơ sở xác định các lĩnh vực và các ngành tiềm năng, tỉnh sẽ chủ động tiếp cận, mời gọi nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh; tham gia các kênh xúc tiến đầu tư trực tuyến và ứng dụng công nghệ số trong việc tìm kiếm, lựa chọn đối tác. Tập trung ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng, các nguồn tài nguyên, lợi thế của tỉnh; thường xuyên đối thoại với các nhà đầu tư hiện hữu để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp qua đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Các đối tác được tỉnh Phú Yên là các quốc gia là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA,...) như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Mục tiêu của việc xúc tiến đầu tư là đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển đột phá vùng ven biển; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và miền núi, vùng Đông và Tây; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa vùng động lực và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực, để đến năm 2030, Phú Yên có ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh.
Thủy Loan