Nâng cao chỉ số PAPI tỉnh Phú Yên là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Nâng cao chỉ số PAPI tỉnh Phú Yên là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (23/08/2019)
Chỉ số PAPI được đánh giá là hệ thống chỉ báo có tính khách quan, góp phần đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Việc cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh Phú Yên đã được triển khai hơn 03 năm qua nhưng gần như không đạt hiệu quả như mong đợi. Năm 2018 chỉ số PAPI của tỉnh Phú Yên lại giảm điểm, tụt hạng và trở lại xếp trong nhóm đạt điểm thấp nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương kiểm tra tình hình hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Từ khi triển khai thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh và Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 10/6/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy, hai năm liên tiếp năm 2016 và năm 2017, chỉ số PAPI của tỉnh Phú Yên tăng điểm và tăng vị thứ xếp hạng.

Tuy nhiên, năm 2018 chỉ số PAPI của tỉnh Phú Yên lại giảm điểm, tụt hạng (xếp thứ 51/63) và trở lại xếp trong nhóm đạt điểm thấp nhất mặc dù năm 2017 đã vươn lên nhóm đạt điểm trung bình thấp. Kết quả chỉ số PAPI năm 2018 của tỉnh mặc dù rất thấp nhưng có một số nội dung thành phần - được người dân đặc biệt quan tâm - đã được người dân ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền tỉnh cũng như đánh giá cao sự phục vụ của các cấp chính quyền của tỉnh trên một số mặt, điển hình như: công khai, minh bạch quy hoạch sử dụng đất, giá đất; tạo điều kiện cho người dân tương tác với các cấp chính quyền; kiểm soát được tham nhũng trong chính quyền và trong cung ứng dịch vụ công; cấp phép xây dựng; cung cấp dịch vụ y tế công lập; an ninh, trật tự trong khu dân cư và quản trị môi trường.

So với mục tiêu đặt ra của Tỉnh ủy là đến năm 2020, chỉ số PAPI của tỉnh trong nhóm 30 tỉnh, thành phố cao nhất của cả nước thì các cấp chính quyền của tỉnh ta còn nhiều việc phải làm và cần phải có những giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị để sớm cải thiện hiệu quả quản trị hành chính, đáp ứng những kỳ vọng của người dân. Do đó, tại Đề án Nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Phú Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 vừa được UBND tỉnh ban hành đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh trong thời gian tới.

Trong đó, việc nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được xếp ở nhóm đầu cần thực hiện của Đề án. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công vụ, văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xem xét, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

Bên cạnh đó, phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh nhằm phát hiện và góp ý, phê phán trước công luận những hành vi vi phạm, gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính; đồng thời, cổ vũ, động viên kịp thời những điển hình tốt về tinh thần và thái độ phục vụ trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cũng phải được tăng cường. Thủ trưởng các cơ quan, địa phương phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối thoại giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, tổ chức. Thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi nhũng nhiễu trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, tuyển sinh, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh...

Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo thực hiện nguyên tắc “một đầu mối - một việc xuyên suốt” và thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quy chế công khai, minh bạch trên cơ sở các quy định pháp luật về công khai, minh bạch đối với lĩnh vực quản lý, thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình; chú trọng công khai, minh bạch những vấn đề đang được xã hội quan tâm như: chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quy hoạch, quản lý đô thị; quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường; công tác tuyển dụng công chức, viên chức; quy trình và kết quả giải quyết thủ tục hành chính...

Nâng cao chỉ số PAPI là một trong những nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, địa phương, đặc biệt là cấp xã; là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nên cần được tiến hành đồng bộ, kiên trì, liên tục, lâu dài. Các cấp, các ngành cần gắn mục tiêu cải thiện chỉ số PAPI với chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cải cách hành chính hằng năm của cơ quan, đơn vị.

Mỹ Luận

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: