DDCI – nút gỡ các điểm nghẽn trong cải cách hành chính
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
DDCI – nút gỡ các điểm nghẽn trong cải cách hành chính (18/10/2018)
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Phú Yên năm 2018 góp phần tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy chất lượng điều hành kinh tế và tạo động lực đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh Phú Yên trong thời gian tới.

Cán bộ, công chức “một cửa” huyện Tây Hòa giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả DDCI tỉnh Phú Yên năm 2018. Đây là lần đầu tỉnh Phú Yên triển khai và tổ chức công bố chỉ số này, với mục đích phân tích đánh giá điểm mạnh, điểm hạn chế của 26 đơn vị tham gia thí điểm năm 2018, thông qua đó các cơ quan, đơn vị tự nhìn nhận, rút kinh nghiệm, chủ động đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả hơn.

Mặc dù là năm đầu tiên triển khai, nhưng DDCI Phú Yên 2018 đã nhận được nhiều sự phản hồi của hơn 700 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia khảo sát và nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến cho biết, nếu như PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh chính quyền cấp tỉnh về chất lượng điều hành kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh, thì DDCI là chỉ số năng lực cạnh tranh của chính quyền cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh, có ý nghĩa làm sáng tỏ các chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh; đánh giá chất lượng thực tế điều hành cấp tỉnh, cấp huyện thông qua “tiếng nói” của người dân và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Người đứng đầu chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm

Bộ chỉ số DDCI tỉnh Phú Yên triển khai thí điểm với 17 sở, ban, ngành và 09 địa phương trên cơ sở 08 chỉ số thành phần gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; vai trò người đứng đầu; tính năng động và hiệu lực của khối sở, ban, ngành/tiếp cận đất đai của khối địa phương.

Theo bảng xếp hạng DDCI khối sở, ban, ngành cho thấy, điểm trung vị của khối đạt 48,45 điểm, tương đương điểm số PCI 2017 của tỉnh 60,59 điểm. Ở khối địa phương, điểm trung vị của cả khối là 40,54 điểm, thấp hơn điểm trung vị của khối sở, ban, ngành và cũng thấp hơn điểm số PCI năm 2017 của tỉnh.

Trong khối sở, ban, ngành, một số đơn vị có truyền thống quản lý tuân thủ, tương tác nhiều với doanh nghiệp như ngành thuế, công thương, kế hoạch và đầu tư lại có được sự đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, trong khi khối sở, ban, ngành tham mưu, phụ trách các nguồn lực đất đai, cơ sở hạ tầng được đánh giá ở nhóm xếp cuối. Đối với khối địa phương, cộng động doanh nghiệp đánh giá cao hai địa phương Tuy An, Tây Hòa, trong khi thành phố Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu bị xếp ở nhóm cuối.

Qua kết quả này, xét về tổng thể, các cơ quan của tỉnh đang có thế mạnh tương đối ở một số khía cạnh như: thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẳng. Đây là kết quả đáng ghi nhận, quá trình phấn đấu liên tục của các tập thể và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức tại các sở, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế cho thấy khoảng cách giữa kết quả trung bình toàn tỉnh ta với các mức điểm số trung bình mỗi chỉ số thành phần trong PCI 2017 còn rất lớn, kết quả còn thấp hơn kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nguyên nhân chủ yếu do người đứng đầu chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của chúng ta còn hạn chế, tính minh bạch chưa cao.

Đại diện đơn vị tư vấn DDCI tỉnh Phú Yên, TS.Nguyễn Đức Nhật cho biết, kết quả DDCI đã bộc lộ những hạn chế trong công tác tham mưu, quản lý cấp sở, ngành và địa phương. Trong khi khối địa phương lộ rõ những hạn chế về chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, vai trò người đứng đầu, tính minh bạch và tiếp cận thông tin thì khối sở, ban, ngành có những điểm yếu về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức, vai trò người đứng đầu và chi phí thời gian. Qua đó cho thấy, điểm yếu chung của hai khối là vai trò người đứng đầu và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp tục duy trì công bố công khai chỉ số DDCI

Bảng xếp hạng DDCI là cơ sở giúp UBND tỉnh xác định các điểm nghẽn trong công tác điều hành qua đó tập trung giải quyết các nút thắt về thể chế, tổ chức cũng như công tác cán bộ kịp thời và hiệu quả.

Trong thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì công bố công khai chỉ số DDCI, nhằm mục đích tạo sự cạnh tranh liên tục, tạo cơ sở dữ liệu đo lường và giám sát chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh và các đơn vị cơ sở theo thời gian.

Ban chỉ đạo PCI/DDCI của tỉnh, đơn vị thường trực là Sở Kế hoạch Đầu tư tiếp tục phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, nhóm nghiên cứu và tư vấn sớm làm việc với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, trao đổi xây dựng chương trình hành động cụ thể của cơ quan, đơn vị mình triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ số thành phần DDCI tỉnh Phú Yên.

Kế hoạch cải thiện DDCI của từng đơn vị chính là kế hoạch hành động triển khai chương trình PCI của tỉnh, đóng góp chung cho nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thứ hạng cạnh tranh của tỉnh trong dài hạn.

Đánh giá cao kết quả DDCI tỉnh Phú Yên do đơn vị tư vấn thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cho rằng phương pháp đánh giá này cơ bản đảm bảo độ tin cậy và tính khách quan. Qua đó, giúp tỉnh nhìn nhận được những việc làm được và những hạn chế cần khắc phục để cải thiện chỉ số DDCI, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong thời gian đến.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương phải mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại của đơn vị mình trong từng chỉ số thành phần DDCI, để có những giải pháp khắc phục quyết liệt hơn, nhất là các chỉ số còn hạn chế, thấp điểm, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.

Mỹ Luận

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: