Đại diện Hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Yên và VNPT Phú Yên ký kết biên bản ghi nhớ giao kết hợp tác về công tác chuyển đổi số doanh nghiệp, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh và các sở ngành liên quan
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06 về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đề án 06 của Chính phủ đã xác định 07 quan điểm chỉ đạo lớn với 05 nhóm tiện ích cụ thể là: Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan đến người dân; Ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Tương ứng với đó là danh mục 52 nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể.
Xác định mục tiêu của Đề án 06 là tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ngày 23/3/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND để cụ thể hóa Đề án 06 thành các nhiệm vụ cụ thể; chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo đúng lộ trình Đề án 06 Chính phủ đề ra.
Đề án 06 với những kết quả bước đầu
Sau 2 năm triển khai, kết quả thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu, trong đó đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 có nhiều sở, ngành đạt tỷ lệ cao trên 80%, các thủ tục hành chính giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện thành công kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Nhiều ứng dụng khai thác trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực như đăng ký quản lý cư trú trực tuyến, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, kê khai thuế, cấp hộ chiếu phổ thông, cấp thẻ bảo hiểm y tế, giúp người dân giảm chi phí đi lại, góp phần phòng chống tiêu cực.
Đối với lĩnh vực Y tế, đã có 119/119 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã trang bị đầu đọc thẻ căn cước công dân (CCCD) theo quy định chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông để thay cho thẻ BHYT giấy. Từ khi triển khai đến nay, đã có 985.560 lượt người sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh BHYT, trong đó số lượt sử dụng thành công 889.881 lượt, chiếm tỷ lệ 90,29% thành công. Qua đó, nâng cao chất lượng, tăng tính chính xác dữ liệu của người tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh, tránh tình trạng trục lợi BHYT, giảm thời gian tiếp nhận hồ sơ (từ khoảng 10 phút xuống còn 01 phút).
Trong lĩnh vực Ngân hàng, bảo hiểm xã hội, giáo dục: 100% thủ tục hành chính đều được sử dụng thông tin cá nhân trong CCCD gắn chíp để xác nhận thông tin cá nhân, công dân không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ như trước đây. Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã phối hợp Công an tỉnh làm sạch dữ liệu ngành bảo hiểm. Tính đến nay toàn tỉnh đã xác thực được 802.068/810.585 thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 98,94%. Đối với ngành thuế đã rà soát, đối sánh thông tin giữa CSDLDC và dữ liệu thuế, qua đó xác thực được chủ thể của người kê khai, thực hiện nộp thuế cho nhà nước góp phần ngăn chặn việc trốn thuế của tổ chức, cá nhân, đã phối hợp rà soát, làm sạch 106.563/106.929 trường hợp.
Lãnh đạo thành phố Tuy Hòa động viên các chiến sĩ Công an nỗ lực hỗ trợ người dân tại Ngày hội Chuyển đổi số thành phố Tuy Hòa năm 2023
Về phát triển công dân số, Công an tỉnh hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh; phối hợp Bảo hiểm xã hội làm sạch dữ liệu bảo hiểm, đến nay có 98,94% người tham gia bảo hiểm được xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai thực hiện 07 mô hình; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu làm sạch, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống.
UBND các địa phương (thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Sông Hinh) chủ động tổ chức Ngày hội chuyển đổi số trong năm 2023. Kết quả các doanh nghiệp công nghệ thông tin FPT, Unitech, HPT, SDT, BKAV...., các công ty, ngân hàng, doanh nghiệp và hơn 20.000 lượt công dân tham gia ngày hội trải nghiệm các dịch vụ, tiện ích phục vụ Đề án 06, qua đó lực lượng Công an trực tiếp hướng dẫn và thu nhận hơn 500 hồ sơ đề nghị CCCD và hơn 10.000 hồ sơ cấp định danh điện tử mức độ 2 cho người dân, hơn 15.000 lượt công dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1, 2.
Đến nay, 100% các cơ quan Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng nền tảng quản lý văn bản và hồ sơ công việc, liên thông vào Trục liên thông văn bản Quốc gia; 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ, trong đó trên 90% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong xử lý công việc. Theo thống kê Bộ Nội vụ, 100% hồ sơ cán bộ công chức, viên chức tỉnh Phú Yên đã được đồng bộ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, xếp 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương đã hoàn thành việc cập nhật Danh mục cơ quan, tổ chức, hành chính sự nghiệp.
Ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa cho biết, để đẩy mạnh phát triển công dân số trên địa bàn, thành phố đã tổ chức phát thanh, đưa tin, tuyên truyền khoảng 856 lượt tin bài trên các trang mạng xã hội; các xã, phường phân công các hội, đoàn thể thành lập Tổ hướng dẫn, tuyên truyền, xác lập tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” và xác lập tài khoản dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “Một cửa” UBND phường, xã; đã tổ chức nhiều hội nghị lắng nghe ý kiến nhân dân, phối hợp tuyên truyền về dịch vụ công, CCCD và định danh điện tử, Đề án 06 tại nhà sinh hoạt văn hoá các khu phố, thôn trên địa bàn, qua đó có khoảng 123.613 lượt người tham gia. Trong các ngày thực hiện làm CCCD và tài khoản định danh điện tử tại các phường, xã đã thực hiện tuyên truyền bằng loa di động 2.670 lượt trên tất cả các tuyến đường trên địa bàn. Tính đến nay, thành phố Tuy Hoà đã tổ chức thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho số công dân đủ điều kiện 139.026/142.912, đạt 100% chỉ tiêu đề ra; thực hiện công tác đăng ký tài khoản định danh điện tử; làm sạch dữ liệu; số hóa dữ liệu hộ tịch đạt 100%.
Điện lực Phú Yên hỗ trợ khách hàng thực hiện chuyển đổi số. Ảnh nguồn PC Phú Yên
Cần sự phối hợp của tất cả các ngành
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án 06 còn một số khó khăn, hạn chế. Đáng chú ý như, chất lượng dịch vụ công trực tuyến thấp, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến của tỉnh mới đạt 32,2%; tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 08/4/2020 và Nghị định số 107/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ còn chậm, chỉ mới đạt tỷ lệ 22,61%; một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, chưa thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo; chậm ban hành Nghị quyết về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, đến nay chưa hoàn thành Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính để số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực theo Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 08/4/2022 và Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 01/02/2021 của UBND tỉnh; việc thực hiện chi trả an sinh xã hội cho đối tượng hưởng chế độ an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng còn thấp, tỷ lệ dưới 50%...
Theo bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, phần lớn cá nhân, tổ chức không có tài khoản trên Cổng dịch vụ công, do đó khi đến cơ quan nhà nước yêu cầu thực hiện các thủ tục hành chính thì cán bộ tiếp nhận phải hướng dẫn tạo tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến nên mất rất nhiều thời gian. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc hướng dẫn người dân nộp hồ sơ liên thông cần sự phối hợp của tất cả các ngành như: Văn phòng, Công an, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội …, vì khi nộp hồ sơ trực tuyến đầu vào cần phải khai các loại tờ khai của các ngành (khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm, đăng ký thường trú, hỗ trợ mai táng phí...). Do đó, nếu các ngành khác không phối hợp hỗ trợ thì công chức Tư pháp không hướng dẫn người dân thực hiện được.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án 06 tỉnh.
05 bài học kinh nghiệm quý
Các cơ quan, đơn vị đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu qua 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Một là, phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, nhất là phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện. Nội dung Đề án 06 có nhiều vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ đòi hỏi phải thống nhất nhận thức và hành động quyết liệt mới đạt kết quả.
Hai là, phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở trong tổ chức thực hiện. Nhiệm vụ của Đề án có phạm vi rộng, có tính liên ngành, vì vậy đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành, địa phương, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Ba là, phải lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm của chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng. Từ việc xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm, phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tham gia, nhất là các dịch vụ công trực tuyến, qua đó xây dựng niềm tin của người dân về những bước cải cách của Nhà nước tất cả phục vụ Nhân dân.
Bốn là, phải xác định và tập trung chỉ đạo tháo gỡ các “điểm nghẽn” ở từng cơ quan, đơn vị, nhất là các “điểm nghẽn” về hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn. Trong đó dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân đã, đang và sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí. Yêu cầu về bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn là vấn đề có tính tiên quyết trong kết nối, chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu dân cư.
Năm là, bảo đảm các nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng. Quan tâm bố trí kinh phí, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kịp thời bổ sung, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số; bố trí nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang phương thức quản lý hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở.
“Qua 02 năm triển khai Đề án 06, kết quả ngày hôm nay mới chỉ là những kết quả bước đầu, vẫn còn nhiều công việc, nhiệm vụ phải thực hiện. Chúng ta thống nhất xác định Đề án 06 là “Trái tim” của Chuyển đổi số. Do đó, trong thời gian đến, đề nghị Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó” - Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn đề nghị.
Mỹ Luận