TS. Nguyễn Đức Nhật, Trưởng nhóm nghiên cứu của Công ty Indochinasurvey
1. Xin Ông cho biết mục đích, tầm quan trọng của chỉ số DDCI Phú Yên, cũng như sự quyết tâm của Lãnh đạo tỉnh trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh Phú Yên?
Chỉ số DDCI Phú Yên 2018 cung cấp cho các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp và công chúng những thông tin và phân tích khoa học, khách quan giúp hiểu rõ về môi trường kinh doanh ở Phú Yên bên cạnh chỉ số PCI, là hành động cụ thể chia sẻ quan điểm cởi mở và thái độ lắng nghe, cầu thị của hệ thống chính quyền tỉnh Phú Yên, trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp lấy sự hài lòng và phát triển bền vững của doanh nghiệp làm thước đo chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh Phú Yên và từng đơn vị hành chính của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên thể hiện quyết tâm mạnh mẽ khi công khai toàn bộ kết quả xếp hạng và đánh giá của các doanh nghiệp với 17 Sở, ban, ngành và toàn bộ các địa phương trong tỉnh ngay trong năm thực hiện DDCI đầu tiên với mục đích để cộng đồng doanh nghiệp và các bên cùng hiểu và giám sát tốc độ, chất lượng cải thiện dịch vụ hành chính của từng đơn vị. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tham gia từ đầu các hội nghị quan trọng bao gồm hội nghị xây dựng DDCI và hội nghị công bố DDCI thể hiện quan điểm lấy cạnh tranh làm động lực cải cách, ghi nhận đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo sự thay đổi.
Trong quá trình triển khai, Tỉnh Phú Yên đã dành sự quan tâm và tham gia tích cực với tổ công tác trong các khâu chuẩn bị cơ sở dữ liệu, xây dựng câu hỏi và công cụ nghiên cứu, khảo sát và thu thập đánh giá ý kiến của doanh nghiệp. Sự kiện tỉnh Phú Yên công bố kết quả DDCI 2018 ngay tuần 2 tháng 10 nằm trong số những tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện và triển khai thành công DDCI là kết quả đáng ghi nhận của lãnh đạo và tập thể cán bộ tỉnh Phú Yên.
Ngay sau Hội nghị công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chính thức có văn bản đề nghị tổ công tác và các đơn vị tiến hành các hoạt động phân tích sâu, tập huấn và chẩn trị nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch hành động và triển khai năm 2018. Đây là những bước đi hệ thống bài bản thể hiện tầm nhìn và cam kết của lãnh đạo tỉnh, phát đi thông điệp cải cách mạnh mẽ và trách nhiệm với những đánh giá và yêu cầu ngày một cao hơn của cộng đồng doanh nghiệp.
2. Qua kết quả khảo sát, Ông đánh giá như thế nào về chất lượng thực tế điều hành của cấp huyện và cấp sở, ban, ngành của tỉnh? Ông có những đề xuất và hỗ trợ gì cho tỉnh để cải thiện chỉ số PCI/DDCI Phú Yên trong thời gian tới?
Báo cáo DDCI Phú Yên 2018 và những thông tin phân tích đã chỉ rõ những điểm mạnh và hạn chế của chất lượng điều hành kinh tế trong tỉnh. Cho dù hầu hết các lĩnh vực đã có cải thiện trong năm qua, tồn tại lớn nhất vẫn là thiếu đồng tốc trong cải cách, khác biệt về chất lượng điều hành kinh tế vẫn được ghi nhận ngay trong từng khối và giữa các địa phương với các Sở, ngành. Hạn chế tiếp theo là chất lượng và cách thức thông tin, tương tác với cộng đồng doanh nghiệp đang chưa thực sự hiệu quả và liên tục.
Cải thiện DDCI tương tự như cải thiện tất cả các bộ phận trong một cỗ máy lớn đương nhiên sẽ cải thiện PCI của tỉnh, không những vậy sự cải thiện này còn bền vững và thay đổi căn bản nề nếp và chất lượng công vụ, dịch vụ công. Theo tôi có ba vấn đề cần chú ý trong thời gian này.
Có thể nói tăng cường minh bạch và tiếp cận thông tin vẫn là giải pháp căn cơ nhất trong thời gian tới đây. Cải thiện chỉ số thành phần này ở từng đơn vị trực tiếp cải thiện chỉ số PCI cấp tỉnh và thu hút đầu tư vào tỉnh khi các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối quan hệ cùng chiều giữa cải thiện minh bạch hóa và tăng đầu tư tư nhân. Ngoài ra, cải thiện chỉ số minh bạch và tiếp cận thông tin là nền tảng cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp bao gồm cả thời gian và tài chính. Chính quyền cần chủ động đẩy mạnh và đa dạng hóa các kênh thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp, yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải trình cao với các yêu cầu, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ hai, Tỉnh Phú Yên cần chú trọng đến các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực chất. Bản chất doanh nghiệp là những đơn vị tối ưu của xã hội trong các ngành/lĩnh vực họ hoạt động, nên các hoạt động hỗ trợ của nhà nước vốn hạn chế về nguồn lực cần tập trung và các nhóm doanh nghiệp đang chuyển đổi (quy mô, ngành nghề) và tạo lập tính tiên đoán được của hệ thống hành chính giúp họ ra các quyết định đầu tư và kinh doanh có hiệu quả. Những vấn đề tồn đọng kéo dài cần được ưu tiên giải quyết dứt điểm, những vấn đề phát triển mang tính chiến lược cần được thảo luận rộng rãi, lắng nghe, tiếp thu và triển khai với sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ ba, Tỉnh Phú Yên cần hỗ trợ Hiệp hội doanh nghiệp Tỉnh phát triển vững bền theo cả khía cạnh phát triển hội viên và xác lập uy tín trong tỉnh thông qua đại diện các nhóm doanh nghiệp khác nhau, chủ động trong các lịch trình đối thoại và là diễn đàn chia sẻ hỗ trợ giữa chính các doanh nghiệp với nhau.
Xin cảm ơn Ông!
Mỹ Luận (thực hiện)