Phấn đấu đến 2015, xây dựng mới 1.290km chiều dài mặt đường bê tông xi măng
Chính sách mới
Phấn đấu đến 2015, xây dựng mới 1.290km chiều dài mặt đường bê tông xi măng (09/04/2013)
Theo Nghị quyết về Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2013-2015 được thông qua tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Phú Yên khóa VI, với mục tiêu đến hết năm 2015, phấn đấu thực hiện bê tông hóa mặt đường đạt tối thiểu 70% tổng chiều dài các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT), tương ứng xây dựng mới 1.290km chiều dài mặt đường bê tông xi măng (BTXM).

 

Đến hết 2015, thực hiện bê tông hóa mặt đường đạt 70% các tuyến đường GTNT - Ảnh minh họa

Phát huy vai trò chủ động của nhân dân đối với xây dựng đường GTNT

Theo đó, các tuyến đường có bề rộng mặt đường từ 2,5 - 3,5m thuộc hệ thống đường giao GTNT đường huyện, đường xã và đường thôn, buôn của 09 huyện, thị xã, thành phố được áp dụng theo Đề án này.

Đề án nêu rõ, xây dựng mạng lưới đường GTNT được thực hiện theo phương châm phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ một phần trực tiếp để phát huy sự đóng góp của nhân dân. Các hoạt động cụ thể của từng xã do chính người dân địa phương họp bàn công khai, dân chủ và quyết định trên cơ sở các quy định Nhà nước và hướng dẫn của các Sở chuyên ngành.

Bên cạnh đó, lồng ghép kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình và dự án khác đang triển khai ở nông thôn, đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế, huy động sức đóng góp công sức của nhân dân.

Thực hiện bê tông hóa mặt đường đạt 70% các tuyến đường GTNT đến hết 2015

Đề án đặt ra mục tiêu đến hết năm 2015, phấn đấu thực hiện bê tông hóa mặt đường đạt 70% các tuyến đường GTNT chưa được đầu tư (từ xã đến trung tâm thôn, buôn), tương ứng với việc xây dựng mới khoảng 1.290 km chiều dài mặt đường BTXM, nếu điều kiện thuận lợi phấn đấu đạt 100%.

Tương ứng với chiều dài đường GTNT cần xây dựng trên, trong giai đoạn 2013-2015 nguồn vốn ngân sách tỉnh cần khoảng 350 tỷ đồng để hỗ trợ cấp xi măng, ống cống (nếu có); chi phí vận chuyển xi măng, ống cống đến xã và chi phí phục vụ công tác quản lý 02 triệu đồng/km; hỗ trợ thêm cho các xã thuộc khu vực III vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các xã bãi ngang ven biển là 80 triệu đồng/km; các xã thuộc khu vực II vùng dân tộc thiểu số, miền núi là 65 triệu đồng/km; các xã thuộc khu vực I vùng dân tộc thiểu số, miền núi là 50 triệu đồng/km.

Cơ chế hỗ trợ

Cấp tỉnh, hỗ trợ 100% xi măng, ống cống (nếu có) sử dụng vào công trình và chi phí vận chuyển xi măng, ống cống đến xã; Hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác quản lý 02 triệu đồng/km; Bổ sung cho xã thuộc khu vực III vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các xã bãi ngang ven biển: 80 triệu đồng/km (mức hỗ trợ cho đường có bề rộng mặt đường là 3m); Bổ sung cho xã thuộc khu vực II vùng dân tộc thiểu số, miền núi: 65 triệu đồng/km (mức hỗ trợ cho đường có bề rộng mặt đường là 3m); Bổ sung cho xã thuộc khu vực I vùng dân tộc thiểu số, miền núi: 50 triệu đồng/km (mức hỗ trợ cho đường có bề rộng mặt đường là 3m).

Cấp huyện, ngoài mức hỗ trợ nêu trên, tùy vào khả năng cân đối ngân sách của cấp huyện và tính chất, mục tiêu của từng công trình mà cấp huyện có thể xem xét hỗ trợ thêm, nhưng không được quá 15% giá trị thực công trình.

Cấp xã và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác: Bao gồm ngân sách cấp xã, huy động đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước,...

Đóng góp của nhân dân: Tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng, cung cấp vật liệu xây dựng nền, mặt đường (sỏi, đá, cát) và các vật liệu khác; huy động phương tiện thi công, tổ chức thi công xây dựng nền đường, đổ bê tông mặt đường.

Giải pháp thực hiện Đề án

Nghị quyết cũng nêu rõ, việc triển khai thực hiện Đề án này sẽ góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể huyện, thị xã, thành phố, xã, thôn, buôn cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức chỉ đạo, thực hiện, tuyên truyền, vận động mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia đầu tư phát triển đường GTNT. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần nhận thức rõ ràng, đầy đủ vai trò, chức năng của mình để triển khai nhiệm vụ phát triển đường GTNT một cách chủ động, có chương trình, kế hoạch để thực hiện; cần làm tốt chức năng vận động, tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn, điều hành, tạo môi trường thuận lợi và có sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời cho cơ sở, người dân thực hiện xây dựng, đầu tư phát triển đường GTNT...

 

Quốc Vũ

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: