Triển khai các nhiệm vụ để phát triển Mắc ca hiệu quả, bền vững
Thông tin chỉ đạo, điều hành UBND Tỉnh
Triển khai các nhiệm vụ để phát triển Mắc ca hiệu quả, bền vững (22/04/2022)
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Bản ghi nhớ giữa tỉnh Phú Yên và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam về việc “Hợp tác phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022-2030 và một số định hướng trong thời gian tới”; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững Mắc ca và các nội dung tại Bản ghi nhớ giữa tỉnh Phú Yên và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.

Cụ thể UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chặt chẽ công tác sản xuất, buôn bán giống cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng giống Mắc ca vi phạm pháp luật. Kịp thời cung cấp thông tin, số liệu, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ, các sở, ngành, địa phương và các đơn vị khoa học rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất thuộc quy hoạch rừng sản xuất để phát triển Mắc ca theo phương thức trồng thuần loài; trồng xen Mắc ca trên đất trồng cây công nghiệp và đất trồng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Tham mưu đề xuất UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện Đề án phát triển bền vững Mắc ca. Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương liên quan tổng hợp, xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm và tiến hành thực hiện các nội dung đã ký kết tại Bản ghi nhớ hợp tác phát triển Mắc ca giữa tỉnh Phú Yên và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị khoa học rà soát diện tích có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây Mắc ca tiến hành đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng Mắc ca (trồng thuần loài trên đất thuộc quy hoạch rừng sản xuất; trồng xen Mắc ca trên đất trồng cây công nghiệp và đất trống thuộc quy hoạch rừng phòng hộ), phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương, tích hợp vùng trồng Mắc ca vào Quy hoạch địa phương. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Kinh tế phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng cây Mắc ca nhân bằng giống vô tính (cây ghép) đã được công nhận, về hiệu quả của việc sử dụng giống tốt trong sản xuất, các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh Mắc ca đạt hiệu quả kinh tế cao. Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương theo hướng khuyến khích liên kết sản xuất để hình thành vùng trồng thâm canh cây Mắc ca tập trung; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển Mắc ca theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.

Các Sở, ban, ngành tỉnh liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, phát triển cây Mắc ca theo hướng hiệu quả, bền vững, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; các cơ chế, chính sách của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

UBND tỉnh đề nghị Hiệp hội Mắc ca Việt Nam quan tâm phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh xác định vùng đủ điều kiện để phát triển cây Mắc ca, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ. Ưu tiên tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật về phát triển cây Mắc ca cho người dân, doanh nghiệp tại tỉnh Phú Yên. Tiếp tục làm tốt chức năng là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất cây Mắc ca theo chuỗi, hỗ trợ vay vốn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, cung ứng dịch vụ giống và phân bón tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Mắc ca hiệu quả, bền vững.

Cây Mắc ca là cây trồng nhập nội, hiện đã được gây trồng nhỏ lẻ tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, tỉnh Phú Yên với tổng diện tích khoảng hơn 120 ha. Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng Mắc ca cần được nghiên cứu, triển khai từng bước thận trọng, phù hợp với điều kiện về tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng nhằm hình thành chuỗi ngành hàng Mắc ca từ trồng đến chế biến, gắn với tiêu thụ sản phẩm.

 

Thủy Loan

 

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: